Vụ tôm 1 năm nay, 3 xã bãi ngang Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông (Kim Sơn) có tổng diện tích 899,6 ha nuôi tôm với số lượng tôm giống đã thả là 94,2 triệu con. Trong đó tôm sú 80,2 triệu con, tôm thẻ 14 triệu con, diện tích nuôi công nghiệp là 15 ha. Đầu vụ bà con tiến hành cải tạo ao đầm tốt, tôm phát triển bình thường. Tuy nhiên tình trạng tôm chết bất thường đúng vào thời điểm giữa tháng 6 lúc bà con bắt đầu thu hoạch đã làm nhiều hộ dân mất ăn mất ngủ, nhiều hộ trắng tay chỉ trong một đêm. Mặc dù vụ tôm xuân hè 2012 đã khép lại nhưng sản lượng tôm chỉ đạt 260 tấn, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo người dân thì năm nay quá trình làm đầm và nuôi tôm vẫn được thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật như mọi năm. Anh Đinh Cao Quang, xóm 6, Kim Hải cho biết: Trước khi nuôi chúng tôi đều dọn sạch hồ, rắc vôi bột và clorin để xử lý vi khuẩn, sau đó phơi đáy đủ 15 ngày thì mới thả tôm. Tôm giống đều được lấy từ các công ty có uy tín đã qua kiểm dịch. Thức ăn cho tôm cũng được mua từ Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam - công ty cung ứng thức ăn uy tín lâu nay. Trong quá trình nuôi chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý môi trường. Tuy nhiên đến khoảng đầu tháng 6 tôm bỗng dưng chết hàng loạt.
Ông Đinh Văn Hùng (xóm 2, Kim Trung) rầu rĩ nói với chúng tôi: Nếu như mùa tôm trước đây, sau mỗi vụ tôm thẻ trên diện tích 1 ha ông thu hoạch xấp xỉ 5 tấn tôm thương phẩm, lãi gần 500 triệu đồng thì năm nay lỗ vốn vì dịch bệnh. Tiền giống, tiền thuốc men 80 triệu đồng ngoài ra còn tiền thức ăn và tiền dầu quạt máy, tính sơ sơ cũng mất gần 200 triệu đồng. Nguyên nhân thì vẫn chưa xác định được.
Anh Nguyễn Văn Hải (xóm 2, Kim Đông) thì có vẻ may mắn hơn, anh cho hay: Gần đến thời điểm thu hoạch nhận thấy thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, một số hộ xảy ra tình trạng tôm chết hàng loạt. Lo lắng nên tôi đem xả đầm, thu hết bán đổ bán tháo cho thương lái, vớt vát được vỏn vẹn 120 triệu đồng, vừa đủ tiền vốn. Một số hộ cũng có ý định thu hoạch sớm như anh nhưng dịch bệnh diễn biến quá nhanh, có hộ định ngày mai thu thì đến đêm tôm đã chết, thế là trắng tay.
Ông Trương Chí Nguyện, Chủ nhiệm HTX thủy sản Kim Trung cho biết: Vụ này toàn HTX thả nuôi 277 ha thì có tới 252 ha tôm bị chết (chiếm trên 90% diện tích). Trong đó diện tích tôm chết hàng loạt (tỷ lệ tôm chết trên 80%) là 242 ha, diện tích tôm chết rải rác là 10%. Để vớt vát một số hộ nuôi vội xả đầm, thu hoạch toàn bộ số tôm mặc dù chưa đủ tuổi thu hoạch. Trong khi các hộ nuôi đang gặp khó khăn vì tôm chết, thì giá tôm nguyên liệu liên tục giảm sút. Giá sàn tôm sú loại 30 con/kg năm ngoái là 240 -250 nghìn đồng thì năm nay chỉ còn 200 nghìn đồng, loại 60 con/kg từ 120 nghìn đồng xuống còn 80 nghìn đồng. Như vậy người nuôi tôm năm nay phải chịu tác hại "kép"
Theo báo cáo tổng hợp từ các xã Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông thì đến ngày 7-7 tổng diện tích có tôm chết của 3 xã là 785,6 ha, chiếm trên 87% diện tích thả nuôi, trong đó diện tích tôm chết có thu là 74,6 ha; diện tích tôm chết hàng loạt (trên 80%) là 711 ha.
Hiện tượng tôm chết xuất hiện từ cuối tháng 5 và chết hàng loạt vào thời điểm giữa tháng 6. Anh Vũ Minh Hà, cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện thì cho rằng: Tôm năm nay chết với các dấu hiệu khác thường so với mọi năm. Mọi năm tôm chỉ chết rải rác và có lượng tôm hồi sau đó. Riêng năm nay tôm chết rất nhanh, diện chết rộng và đặc biệt không có lượng tôm hồi. Có thể tôm nhiễm một loại virút bệnh nào đó. Tuy nhiên nắng gắt ở giữa vụ và mưa lớn cuối vụ cũng là một trong những yếu tố được tính tới.
Trên đây chỉ là những dự đoán ban đầu và điều cần thiết lúc này là phải có kết luận của cơ quan chuyên môn. Vì đó mới là căn cứ pháp lý để đưa ra quyết định hỗ trợ đối với người nuôi tôm. Người nuôi tôm đang rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của chính quyền và các ngành chức năng, giúp họ tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, đối phó hiệu quả với những diễn biến thất thường của thời tiết, môi trường và dịch bệnh.
Được biết hiện tại huyện Kim Sơn đang phối hợp với Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp&PTNT) lấy mẫu đất, nước, tôm chết ở các điểm nuôi gửi các cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân. Đồng thời tiến hành thống kê lại số lượng và diện tích tôm chết, hướng dẫn người dân vớt hết tôm chết, làm sạch đầm nuôi, xử lý môi trường nước để tiếp tục sản xuất.
Hà Phương