Huyện đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống, giải quyết việc làm, xóa nhà tranh tre, vách đất, nhất là đối với các xã nghèo, các xã vùng kinh tế mới của huyện. Nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo.
Nếu như cuối năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 17,8% thì hiện nay chỉ còn 12,8%. Bên cạnh những kết quả đã đạt được có thể thấy vẫn còn một số cấp ủy đảng, chính quyền ở cơ sở chưa thực sự quan tâm đúng mức đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao và không đồng đều giữa các xã, thị trấn. Một số hộ tuy đã thoát nghèo nhưng chưa vững chắc, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của các xã nghèo còn nhiều khó khăn, nguồn lực huy động cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được yêu cầu.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có một số nguyên nhân chính như: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân đối với công tác xóa đói, giảm nghèo có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Một bộ phận người nghèo chưa ý thức rõ trách nhiệm của mình để tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo, còn có tư tưởng tự ti, trông chờ, ỷ lại; do xuất phát điểm kinh tế thấp, điều kiện tự nhiên không thuận lợi.
Các xã vùng bãi ngang thiếu công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, nước sạch sinh hoạt, trường học. Một số xã thuần nông độc canh cây lúa, thu nhập thấp; do thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất, thiếu việc làm, một số hộ đã được vay vốn nhưng không thanh toán đúng hạn nên không được vay tiếp. Có hộ đã được vay nhưng do số lượng ít, chu kỳ ngắn nên không đáp ứng được yêu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, nguyên nhân quan trọng khiến nhiều hộ rơi vào tình trạng nghèo là do trình độ hạn chế, thiếu kinh nghiệm sản xuất, không biết cách làm ăn, gia đình có người mắc tệ nạn xã hội, có người ốm đau kéo dài...
Nói về phương hướng, mục tiêu giảm nghèo đến 2010 của huyện Kim Sơn, đồng chí Vũ Văn Kiểm, Bí thư Huyện ủy cho biết, trong thời gian tới huyện phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gắn liền với đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, không để tái nghèo; tạo điều kiện về phát triển sản xuất, dịch vụ để người nghèo tự lực thoát nghèo; thực hiện xã hội hóa các hoạt động giảm nghèo; ưu tiên các nguồn lực để cải thiện cơ sở hạ tầng và các điều kiện phục vụ sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt đối với cụm xã nghèo trọng điểm, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Huyện phấn đấu đến 2010 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 7%, không còn xã có tỷ lệ hộ nghèo vượt quá 15%. Đối với 3 xã bãi ngang thuộc cụm xã nghèo trọng điểm là Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung phấn đấu giảm hộ nghèo bình quân từ 5-6%/năm; các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao là: Kim Mỹ, Kim Tân, Tân Thành, Xuân Thiện, Chất Bình, Chính Tâm, Yên Lộc, Định Hóa, Xuân Thiện, phấn đấu giảm hộ nghèo từ 3-5%/năm. Đặc biệt, huyện đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2008 không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách và từng bước giảm dần sự chênh lệch về hộ nghèo giữa các xã trong huyện.
Là một huyện thuộc vùng ven biển thì việc thực hiện các mục tiêu trên gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã trăn trở tìm các giải pháp phù hợp để phát huy nội lực kết hợp với sự hỗ trợ của cấp trên để từng bước đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Trước hết, huyện tập trung vào các giải pháp tạo việc làm cho lao động địa phương, trong đó đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chỉ đạo, hỗ trợ phát triển sản xuất theo vùng. Cụ thể các xã thuộc tiểu khu I sẽ cấy các giống lúa đặc sản, cây vụ đông, lúa tái sinh; Tiểu khu II và III trồng cây vụ đông, thực hiện mô hình lúa xen cá và lúa tái sinh; Tiểu khu IV kết hợp giữa trồng lúa với phát triển cây cói; Tiểu khu V tập trung nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cói và một số loại cây có khả năng chịu mặn. Hỗ trợ phát triển trồng cây từ ở 3 xã bãi ngang.
Cùng với các giải pháp trên, huyện chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn, khôi phục làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho người nghèo, tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như: Chế biến, đan các mẫu từ nguyên liệu sẵn có ở địa phương như cói, bèo bồng; hỗ trợ phát triển nghề trồng nấm kết hợp với mở rộng mạng lưới tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Một trong những giải pháp quan trọng mà huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện để giảm nghèo đó là làm tốt công tác xuất khẩu lao động; tổ chức dạy nghề, truyền nghề, đào tạo nghề có địa chỉ, nhất là đối với lao động thuộc diện bị thu hồi đất để xây dựng các cụm công nghiệp, khu hành chính, chính trị của huyện...
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo chặt chẽ các nguồn vốn vay nhằm thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với người nghèo: ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nguồn lực cho các xã nghèo thuộc cụm xã nghèo trọng điểm của tỉnh và các xã khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao; nêu cao vai trò của Ủy ban MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị trong công tác giảm nghèo ở địa phương, trong đó phân công cụ thể cho từng đoàn thể chính trị phụ trách các xã trên địa bàn và đẩy mạnh tuyên truyền, động viên các đảng viên, cán bộ, hội viên, đoàn viên tích cực tham gia vào công tác giảm nghèo, hướng tới mục tiêu chung là xây dựng quê hương Kim Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Kim Duyên