5 năm qua, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Kim Sơn được đầu tư nâng cấp. Hệ thống thủy lợi cơ bản đủ năng lực phòng, chống thiên tai, đê điều được củng cố, nâng cấp theo hướng vững chắc; đã kiên cố hóa được 82,1 km kênh mương, nhiều trạm bơm được đầu tư, cải tạo sửa chữa... đảm bảo tưới tiêu chủ động cho 80% diện tích đất nông nghiệp. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã nâng cấp, làm mới 445,6 km đường giao thông nông thôn; 100% số xã có lưới điện quốc gia; 25/25 xã, thị trấn có điểm bưu điện văn hóa xã và trạm y tế cơ sở đạt chuẩn; 100% số xã, thị trấn đã quy hoạch khu thể thao. Cơ sở vật chất trường học được quan tâm xây dựng. Toàn huyện có 54/88 trường đạt chuẩn quốc gia. 83% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đời sống của người dân khu vực nông thôn từng bước được cải thiện và nâng lên với thu nhập bình quân năm 2012 là 14,2 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới còn 9,9%, hộ cận nghèo còn 9,85%. Từ năm 2008 đến nay đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 698 hộ...
Đồng chí Trần Văn Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho rằng: Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là một bước cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết 26-NQ/T.Ư. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện chương trình này, Kim Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện ở một số lĩnh vực có tính đột phá.Về phát triển sản xuất, hình thành một số vùng sản xuất tập trung (nuôi trồng thủy sản, sản xuất lúa đặc sản...), chú trọng thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Bên cạnh đó, tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất; triển khai 39 mô hình và nhân rộng 15 mô hình sản xuất; tổ chức 98 lớp tập huấn kỹ thuật cho 9.076 lượt người và mở 37 lớp dạy nghề cho 3.445 lượt người là nông dân. Nhằm giảm chi phí, nhân công trong sản xuất nông nghiệp, giải phóng sức lao động trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người nông dân, nhiều khâu trong sản xuất đã được cơ giới hóa như: làm đất, tuốt lúa đạt 100%; thu hoạch bằng máy đạt 10%. Toàn huyện có 525 máy làm đất, 720 máy tuốt lúa, 20 mát gặt đập liên hợp).
Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉ tính riêng trong năm 2012, toàn huyện đã tiếp nhận 7.668 tấn xi măng hỗ trợ của tỉnh và vận động nhân dân hiến 16.006 m2 đất, góp 9.129 triệu đồng, 27.117 ngày công để làm mới, nâng cấp được 346 tuyến đường với tổng chiều dài trên 70 km. Từ nhiều nguồn đóng góp, đến nay toàn huyện đã xây dựng119/277 nhà văn hóa thôn xóm; mua và trang bị cho các địa phương 142 xe đẩy thu gom rác, 2 ô tô chuyên chở rác, 1 xe hút bùn... Tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển năm 2012 đạt 1.154.635 triệu đồng (tăng 477.404 triệu đồng so với năm 2008), trong đó: vốn ngân sách Nhà nước 457.154 triệu đồng, chiếm 39,6%; vốn từ nhân dân và tư nhân 697.070 triệu đồng, chiếm 60,3%; nguồn vốn khác 411 triệu đồng, chiếm 0,1%.
Theo đánh giá của Ban chấp hành Đảng bộ huyện, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/T.Ư, sản xuất nông nghiệp, thủy sản của Kim Sơn đã có nhiều bước tiến mới cả về cơ cấu giống, năng suất, chất lượng, giá trị. Kinh tế nông thôn có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, nhưng chưa nhiều. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đã được quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn đã được nâng lên nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao... Mục tiêu của huyện là phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn NTM và 50% số xã còn lại đạt trên 50% các tiêu chí NTM.
Năm 2020, có 50% số xã đạt chuẩn NTM và 75% số xã còn lại đạt 70% số tiêu chí NTM trở lên. Để có được mục tiêu này, huyện xác định: Tiếp tục thực hiện và làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM. Phát động phong trào thi đua ứng dụng các tiến bộ của KHKT vào sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề cho người nông dân. Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực này, tạo mối liên kết "4 nhà", chú trọng huy động nguồn lực từ con em quê hương thành đạt. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm là: chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phát triển dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề;chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng và vật nuôi gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị của sản phẩm nông nghiệp theo hướng bền vững, hình thành thương hiệu riêng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người nông dân…
Đinh Chúc