Khó khăn và thách thức Sông Vạc chia huyện Kim Sơn làm 2 vùng tả Vạc và hữu Vạc, mỗi vùng có đặc điểm địa hình phức tạp và thủy thế khác nhau, hàng năm chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão biển và lũ các sông Đáy, sông Tống Giang. Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Sơn, hiện nay hệ thống đê điều của Kim Sơn gồm 5 tuyến đê với tổng chiều dài 75,907 km, trong đó có hơn 40 km đê biển. Hệ thống đê biển ở Kim Sơn những năm vừa qua đã được đầu tư lớn, hiện đại, kiên cố và vững chắc hơn. Tuy nhiên, trước tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng… mỗi khi mùa mưa bão đến mối lo về sức chịu đựng bão gió của các tuyến đê, đặc biệt là một số đoạn đê kém ổn định, đê xung yếu vẫn luôn thường trực.
Ông Trần Anh Khôi, Phó Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Kim Sơn cho biết: Về đê biển, Kim Sơn có 2 tuyến đê là Bình Minh II và Bình Minh III. Tuyến đê Bình Minh II trực tiếp chịu ảnh hưởng của bão biển thời gian qua đã hoàn thành việc nâng cấp và có khả năng chịu được bão có sức gió cấp 12 và thủy triều trung bình. Riêng tuyến đê Bình Minh III, từ km 0 đến km 15 dài 15 km tuy đã hàn khẩu nhưng vẫn chưa hoàn thành, cao trình mặt đê mới đạt +4,3 đến +4,5, mặt đê B= 7m nên chưa có khả năng chống bão biển theo tần suất thiết kế. Bên cạnh các tuyến đê biển thì hiện tại các tuyến đê sông vẫn còn tồn tại nhiều đoạn xung yếu cần được sửa chữa, cụ thể như: tuyến đê tả Vạc tại vị trí K23+750, tại đây đã xảy ra hiện tượng sụt sạt kè dẫn đến lún, nứt mặt đê; tuyến đê hữu sông Đáy có 5 kè bờ lát mái, được xây dựng đã lâu, chịu nhiều mưa bão và biến đổi của dòng chủ lưu, gây cho đầu và cuối các kè bị xói lở, mái lát bị bong xô, bên cạnh đó một số cống đã xây dựng từ lâu, cao trình đỉnh cống thấp, thân cống ngắn cần được sửa chữa, xây mới…
Trên địa bàn huyện có một số trạm bơm đã xuống cấp, công suất chỉ còn 50-70% so với thiết kế, vì vậy khả năng tiêu úng bằng động lực chưa đảm bảo yêu cầu sản xuất. Về phương tiện phòng, chống lũ, một số địa phương còn thiếu phương tiện phục vụ tuần tra, tìm kiếm cứu nạn... Mặc dù ngân sách tỉnh hàng năm đều trang bị một số dụng cụ, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu. Công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết về thiên tai, kỹ năng phòng tránh thiên tai cho cộng đồng vẫn còn thiếu. Vì vậy, còn tư tưởng chủ quan khi mùa bão, lũ đang về.
Tập trung gia cố những điểm xung yếu
Tuyến đê tả Vạc, đoạn giáp với cầu Trì Chính thuộc địa phận thị trấn Phát Diệm, các đơn vị nhà thầu đang huy động phương tiện máy móc và công nhân đẩy mạnh thi công nâng cấp đoạn đê bị sạt lở. Đoạn đê sạt lở này được xử lý sẽ đảm bảo an toàn, bền vững cho toàn tuyến đê sông Vạc, bảo vệ đời sống nhân dân, an toàn sản xuất và các kết cấu hạ tầng của huyện.
Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty xây dựng Bình Minh, cho biết: Chúng tôi đang khẩn trương hoàn thành việc đổ bê tông cọc sau đó sẽ triển khai bóc dỡ toàn bộ mái đê cũ trong phạm vi sạt trượt, phá dỡ đầu cọc dầm bê tông cốt thép đã bị ngả ra mái sông; thả đá rồi tạo mái sông để hộ chân, gia cố phía trên bằng rồng tre, lôi đá sau đó tiến hành đóng hai hàng cọc bê tông cốt thép, gia cố đoạn sạt trượt. Công ty sẽ huy động tối đa nhân lực và phương tiện máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật và phấn đấu hoàn thành trước ngày 30-5.
Được biết, sau khi khảo sát hiện trạng các công trình, huyện Kim Sơn đã lên phương án và bố trí đầy đủ lực lượng để xử lý các vị trí xung yếu. Theo đó, giao cho các xã, thị trấn, các đơn vị có các vị trí xung yếu PCLB năm 2015, từ ngày 15-4 đến ngày 30-12-2015 phải có 2 tổ từ 3-5 người thường xuyên tuần tra, canh gác, theo dõi các diễn biến, báo cáo về thường trực Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện vào ngày thứ sáu hàng tuần. Khi có mưa to trên 150 mm trong 3 ngày, ngoài sông có lũ trên báo động 1, bão từ cấp 7 trở lên yêu cầu, các xã có lực lượng hộ đê trực tại các vị trí xung yếu để sẵn sàng xử lý sự cố khi cần.
Với đặc thù là một huyện ven biển, số lượng người và phương tiện nghề cá, nuôi trồng thủy sản trên sông, trên biển là rất lớn, huyện Kim Sơn cũng đặc biệt chú trọng đến các phương án di dân và kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn khi có áp thấp nhiệt đới, bão đổ bộ vào địa bàn. Việc thống kê, tổng hợp tình hình hoạt động của tàu thuyền khai thác hải sản, các hộ dân nuôi trồng thủy sản ngoài đê Bình Minh II và vùng Cồn Nổi được cập nhật thường xuyên. Các vị trí neo đậu thuyền tránh bão và huy động tàu thuyền cứu nạn khi cần được thống nhất từ trước để đảm bảo khi có bão xảy ra có thể nhanh chóng kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền ngoài khơi về nơi an toàn để tránh, trú bão khẩn trương; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè khi có bão đổ bộ.
Hiện, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức PCLB cho nhân dân; kịp thời cảnh báo các khu vực nguy hiểm để nhân dân chủ động di dời đến nơi an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả mưa lũ gây ra, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Bên cạnh đó tăng cường công tác quản lý các công trình xây dựng cơ bản về phòng, chống lụt bão. Các xã, thị trấn tổ chức giải phóng ngay các công trình kiến trúc, vật cản như: tre, gỗ ở ven sông, khơi thông dòng chảy để đảm bảo thoát lũ khi có mưa lũ xảy ra. Các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn khi xây dựng kế hoạch PCLB&TKCN phải sát với tình hình thực tế của đơn vị, dự kiến tình huống xảy ra, biện pháp khắc phục…
Với tinh thần chủ động ứng phó với thiên tai, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong huyện, tin rằng huyện Kim Sơn sẽ chủ động phòng, chống lụt, đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão 2015.
Hà Phương