Hộ ông Trần Văn Phình, xóm 15, xã Đồng Hướng đã có gần 20 năm gắn bó với nghề chăn nuôi lợn, quy mô gia trại từ 90-100 con, gồm cả lợn thịt và lợn nái, lợn giống. Những ngày này, trước thông tin dịch tả lợn châu Phi được tuyên truyền thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua cán bộ thú y xã, ông cũng đặc biệt quan tâm, chú ý theo dõi đàn lợn nhà mình. Hàng tuần, được cán bộ thú y xã cấp thuốc và vôi, ông thực hiện nghiêm túc phun tiêu độc khử trùng và rắc vôi bột khắp các khu vực xung quanh chuồng nuôi. "Phòng bệnh không bao giờ là thừa. Kinh nghiệm bao nhiêu năm chăn nuôi tôi thấy rằng, diễn biến dịch bệnh thường xảy ra theo mùa khí hậu và thời tiết từng vùng. Như vào mùa này (sau Tết, là mùa hoa xoan), lợn thường bị dịch tả; sang mùa nắng nóng hơn thường bị viêm cầu lợn, bệnh tai xanh; vào mùa lạnh thì bệnh lở mồm, long móng... Tôi nắm được quy luật này nên ngoài chủ động tiêm phòng các loại bệnh của lợn đã có vắc xin, còn lại chủ động trong việc phòng chống các loại bệnh khác theo khuyến cáo của cán bộ thú y, như đảm bảo đủ thức ăn, rắc vôi, phun hóa chất, vệ sinh chuồng trại..." - ông Phình cho biết.
Đối với trang trại lợn của gia đình ông Trần Văn Huấn, xóm 17, xã Đồng Hướng, những ngày này gần như "nội bất xuất, ngoại bất nhập", để đảm bảo an toàn cho đàn lợn gần 500 con lợn thịt và 80 con lợn con mới nhập đàn. Ông Huấn cho biết, là trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, việc đảm bảo an toàn cho đàn lợn là việc sống còn và ưu tiên số 1 hiện nay. Để phòng bệnh cho đàn lợn, toàn bộ khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh chuồng trại, gia đình ông Huấn thường xuyên được rắc vôi bột và khử trùng tiêu độc. Người ra-vào khu vực chăn nuôi được hạn chế đến mức thấp nhất. Đối với các phương tiện bắt buộc phải ra-vào trại như xe tải bắt lợn, xe chuyển cám đến đều phải phun xịt sát trùng thật kỹ trước khi vào, những người chăm sóc, vệ sinh đàn lợn cũng được trang bị đầy đủ quần áo, bảo hộ lao động và phun sát trùng đúng theo quy định... Đối với đàn lợn mới nhập, được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, tuân thủ nghiêm túc quy trình nhập lợn và giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe hàng ngày của đàn lợn trong trang trại. "Là người chăn nuôi lợn với quy mô lớn, theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhận được thông báo của cán bộ thú y xã, tôi biết dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và điều đáng lo ngại là đã xuất hiện tại Ninh Bình. Loại bệnh này rất nguy hiểm vì khi lợn lây bệnh là chết hàng loạt và chết rất nhanh, đến nay chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng ngừa cũng không có... Trang trại lợn của gia đình hiện đang được kiểm soát chặt chẽ, với mức an toàn cao nhất, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập vào..." - ông Huấn chia sẻ thêm.
Ông Lâm Đình Phú, cán bộ thú y xã Đồng Hướng cho biết: Xã Đồng Hướng có 155 hộ chăn nuôi theo quy mô gia đình và 1 trang trại quy mô 500 con lợn, tổng đàn lợn của toàn xã là trên 1.500 con. Trước thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi, xã đã lĩnh đủ số vôi 2 tấn, thuốc sát trùng xử lý môi trường của huyện về phân phát cho người chăn nuôi tại 17 thôn, xóm. Đồng thời yêu cầu các hộ chăn nuôi phun thuốc, rắc vôi định kỳ, xử lý môi trường, vệ sinh chuồng trại, đảm bảo thức ăn cho đàn lợn. Đặc biệt, công tác tuyên truyền được quan tâm bằng việc tuyên truyền trực tiếp và qua Đài truyền thanh ba cấp về diễn biến dịch, cách phòng chống bệnh dịch, nâng cao ý thức người chăn nuôi một cách cao nhất. Thêm vào đó, cán bộ thú y xã thường xuyên nắm tình hình tại các hộ chăn nuôi, yêu cầu các hộ có lợn bệnh, lợn chết phải báo cáo ngay với chính quyền, tránh dấu bệnh, tiêu thụ lợn bệnh hoặc vất xác lợn chết ra sông ngòi, kênh rạch... gây ô nhiễm môi trường và lây lan thành dịch.
Đồng chí Đỗ Hùng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Hiện trên địa bàn huyện Kim Sơn có gần 53 nghìn con lợn, trong đó gần 8.000 con lợn nái. Toàn huyện có 5 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn hàng nghìn con, hàng trăm gia trại quy mô hàng trăm con và hàng nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các địa phương có số lượng đàn và người chăn nuôi đông như xã Yên Lộc, trên 6 nghìn con; các xã: Định Hóa, Kim Tân, Văn Hải, thị trấn Bình Minh... mỗi xã có từ 4-5 nghìn con.
Để chủ động phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, không để bệnh xâm nhập, lây nhiễm vào địa bàn, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện Kim Sơn đã có các văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn trên địa bàn và thành lập Tổ công tác liên ngành của huyện, tích cực triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho đàn lợn. Theo đó, Tổ công tác liên ngành kiểm tra, giám sát việc vận chuyển gia súc, gia cầm lưu thông trên địa bàn huyện có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm và các sản phẩm của gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan Thú y.
Đặc biệt, kiểm tra, giám sát chặt chẽ 2 điểm cửa ngõ vào huyện, giáp với các tỉnh Nam Định và Thanh Hóa là cửa ngõ Đò 10 (giáp với tỉnh Nam Định) và khu vực Điền Hộ (giáp với tỉnh Thanh Hóa). Đồng thời, lãnh đạo UBND 2 huyện của Kim Sơn (Ninh Bình) và Nga Sơn (Thanh Hóa) đã chủ động họp bàn, thống nhất kế hoạch và có phương án phối hợp nếu có dịch xảy ra, như việc chôn lấp theo quy trình, không vứt bỏ xác lợn chết xuống sông... UBND huyện Kim Sơn cũng chỉ đạo các xã giáp ranh và gần với Thanh Hóa như Lai Thành, Định Hóa, Kim Mỹ, Văn Hải, thị trấn Bình Minh... rà soát, kiểm tra chặt chẽ số hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh, buôn bán, giết mổ thịt lợn để nắm tình hình, giám sát dịch bệnh. UBND huyện cũng tổ chức hội nghị với lãnh đạo các xã, thị trấn, cùng với thông báo tình hình dịch bệnh, yêu cầu các xã, thị trấn nắm chắc tình hình chăn nuôi, dịch bệnh, khi có hiện tượng lợn ốm, chết cần phải báo cáo nhanh với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, giải quyết....
Cùng với tổ chức, triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi, các xã, thị trấn tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm vụ xuân - hè 2019. Yêu cầu UBND các xã, thị trấn tiếp tục duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát dịch bệnh của từng thôn, xóm, khối, phố và các hộ chăn nuôi, nhất là những địa bàn có nguy cơ cao, giáp ranh với các tỉnh, các huyện. Các địa phương, các ngành chức năng xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dịch dẫn đến dịch bệnh lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại cho người dân và cộng đồng. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về tình hình dịch bệnh, những dấu hiệu nhận biết về bệnh dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh và những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế nếu dịch bệnh xảy ra, nâng cao ý thức cho người chăn nuôi và người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện ổn định và phát triển.
Hạnh Chi