P.V: Là huyện ven biển, Kim Sơn có nhiều lợi thế để phát triển một nền kinh tế toàn diện. Xin đồng chí cho biết vấn đề này được thực hiện trong thời gian qua như thế nào?
Đ/c Lê Thị Hoa: Đúng là Kim Sơn có rất nhiều lợi thế để phát triển nền kinh tế đa dạng. Đất đai ở đây được hình thành do sự lắng đọng của phù sa nên khá bằng phẳng và phì nhiêu, thích hợp cho trồng lúa, màu, bởi vậy từ lâu Kim Sơn đã được biết đến như một vựa lúa của tỉnh với sản phẩm gạo dự, tám nổi tiếng khắp vùng. Bên cạnh đó, Kim Sơn có chiều dài bờ biển hơn 15km với hơn 7.000 ha vùng bãi bồi ven biển và Cồn Nổi, có thể phát triển mạnh kinh tế biển, nhất là nghề nuôi trồng thủy, hải sản, công nghiệp chế biến, xây dựng cảng biển, du lịch biển… Người dân Kim Sơn cũng rất cần cù, sáng tạo, năng động. Với bàn tay khéo léo và sự năng động, họ đã đưa sản phẩm cói của quê hương đến được với nhiều quốc gia trên thế giới, giải quyết được hàng vạn việc làm lúc nông nhàn, đem về nguồn ngoại tệ đáng kể.
Có thể thấy, thời gian qua kinh tế nông nghiệp ở Kim Sơn đã có những bước phát triển mới cả về trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy, hải sản. Năm 2014, tổng diện tích gieo trồng của toàn huyện đạt 16.703,5ha, năng suất lúa trung bình cả năm đạt 62,78 tạ/ha. Trong đó, vụ đông xuân đạt 67,82 tạ/ha, tăng 0,1 tạ/ha so với vụ đông xuân 2013, vụ mùa đạt 57,74 tạ/ha (cả hai vụ cao nhất tỉnh). Tổng sản lượng thóc đạt 104.867 tấn. Trong chỉ đạo sản xuất, Kim Sơn chủ trương tăng dần diện tích trồng lúa chất lượng cao nhằm nâng cao giá trị trên 1 ha canh tác. Đối với vụ đông xuân, diện tích trồng lúa chất lượng chiếm tới 67,75%; vụ mùa diện tích này là 71,58%.
Về chăn nuôi: Trong những năm gần dây do làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm nên trên địa bàn huyện không có dịch bệnh xảy ra đã tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2014 ước đạt 7.272 tấn, tăng hơn 300 tấn so với năm 2010.
Về phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS). Từ năm 2001 huyện đã có quy hoạch tổng thể khai thác và sử dụng hợp lý vùng bãi bồi ven biển. Trung ương và tỉnh cũng có nhiều chỉ thị, nghị quyết về phát triển kinh tế biển, có nhiều chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng vùng NTTS như: Xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS vùng trong đê Bình Minh II; các công trình phòng, chống lụt bão, nâng cấp đê biển Bình Minh II, hàn khẩu Bình Minh III, đường ĐT481; đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, đường đến trung tâm các xã bãi ngang, đường giao thông vùng ven biển, xây dựng chợ đầu mối Kim Đông… tạo điều kiện để Kim Sơn vươn lên phát triển kinh tế biển. Sản lượng thủy, hải sản năm 2014 ước đạt 21.928 tấn, tăng 1.478 tấn so với năm 2013 v. Trong đó sản lượng nuôi trồng là 17.200 tấn (gồm nuôi trồng nước lợ như: ngao 12.350 tấn, tôm sú 310 tấn, tôm thẻ 140 tấn, tôm rảo 220 tấn, cua 330 tấn, thủy, hải sản khác 350 tấn); sản lượng thủy sản nước ngọt 3.500 tấn; sản lượng khai thác là 3.700 tấn. Năm 2013, giá trị sản xuất thủy sản trên địa bàn huyện chiếm 11,19% giá trị sản xuất các ngành nghề.
Tuy nhiên, có cả lý do khách quan và chủ quan thực tế cũng cho thấy kinh tế Kim Sơn phát triển thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của một huyện ven biển. Đó cũng chính là những băn khoăn, trăn trở mà chúng tôi phải tìm ra câu trả lời trong những năm tới.
P.V: Nhìn vào kết quả đã đạt được, có thể thấy nghề NTTS ở Kim Sơn đã mở ra những triển vọng mới trong phát triển kinh tế của huyện, song cũng đặt ra những vấn đề cần quan tâm giải quyết, xin đồng chí cho biết đó là những vấn đề gì?
Đ/c Lê Thị Hoa: Đối với người dân Kim Sơn, NTTS là một nghề truyền thống nhưng NTTS nước mặn, lợ chỉ thực sự phát triển khoảng hơn chục năm trở lại đây. Do đó huyện phải làm từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Khó khăn lớn nhất thời gian qua là Kim Sơn chưa có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển nên ảnh hưởng đến công tác quản lý cũng như việc sử dụng đất đai và huy động các nguồn lực đầu tư các dự án để khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng; cũng vì thế người dân chưa yên tâm đầu tư cho sản xuất lâu dài. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến khó lường, không theo quy luật như: Nắng nóng, mưa lớn đột ngột, độ mặn của nước biển tăng cao đã gây ra dịch bệnh làm tôm chết cùng với đó là do ảnh hưởng ô nhiễm môi trường nước gây thiệt hại cho người nuôi trồng.
Về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, mặc dù đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông, thủy lợi nhưng các công trình chưa đồng bộ, chưa tạo sự kết nối giữa vùng ven biển Kim Sơn với các vùng liên quan nên chưa phát huy tốt hiệu quả đầu tư. Việc cung ứng giống thủy sản chưa thực sự chủ động; do chưa có cơ sở chế biến thủy hải sản, thị trường tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái nên có phần bấp bênh, giá trị sản phẩm thu được còn thấp. Hình thức nuôi chủ yếu là quảng canh và quảng canh cải tiến, diện tích nuôi công nghiệp còn hạn chế; đánh bắt thủy sản xa bờ còn nhiều khó khăn…
P.V: Để kinh tế biển phát triển toàn diện, bền vững, trong thời gian tới Kim Sơn sẽ triển khai những giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đ/c Lê Thị Hoa: Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng ven biển, tạo ra bước chuyển mới về cơ cấu kinh tế, thời gian tới Kim Sơn chủ trương phát triển mạnh kinh tế biển, gồm cả NTTS, công nghiệp và du lịch - dịch vụ. Để đảm bảo phát triển đúng định hướng, huyện sẽ tiếp tục bám sát chiến lược phát triển kinh tế biển của quốc gia cũng như mục tiêu phát triển kinh tế biển của tỉnh theo Kết luận số 1012-TB/TU ngày 3-12-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình. Hiện, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng ven biển Kim Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đã lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia và các ngành. Đây là một việc làm trước tiên hết sức cần thiết nhằm xây dựng vùng ven biển Kim Sơn thành khu kinh tế tổng hợp, hạ tầng đồng bộ; gắn phát triển kinh tế với giữ vững quốc phòng, an ninh, góp phần tăng GDP của cả tỉnh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và cũng sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất mang tính ổn định, lâu dài
Căn cứ quy hoạch tổng thể, huyện sẽ hoàn thiện quy hoạch chi tiết, trước hết là quy hoạch chi tiết các tiểu vùng nuôi trồng thủy sản từ đê BMII đến đê BMIII theo hướng công nghiệp; quy hoạch hệ thống thủy lợi, đường giao thông, hệ thống điện và cụm công nghiệp. Vùng Cồn Nổi phát triển theo hướng du lịch tâm linh kết hợp với nghỉ dưỡng, tắm biển. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết sẽ có phân khu chức năng để thu hút đầu tư. Theo đó sẽ thu hút đầu tư khu công nghiệp biển với quy mô quy hoạch 686 ha và triển khai xây dựng một số chương trình Trung tâm sản xuất giống thủy sản hiện đại, từng bước đáp ứng nhu cầu về giống cua, tôm; kết hợp đánh bắt, NTTS với công nghiệp chế biến và các ngành công nghiệp khác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thuận lợi cho khâu tiêu thụ.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế biển; phổ biến khoa học kỹ thuật, kỹ năng NTTS; phát triển mạnh nuôi ngao, hướng tới thị trường xuất khẩu; đưa thêm một số con nuôi cho giá trị kinh tế cao như cá nác, cá bống bớp, cá mú... vào nuôi trồng. Tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển vùng kinh tế biển theo quy hoạch; có cơ chế, chính sách khuyến khích ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, gắn chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh vùng biên giới biển.
Song song với đó là tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển. Đẩy mạnh công tác trồng rừng ngập mặn của biển; tăng cường công tác quản lý để bảo vệ môi trường vùng ven biển. Quy hoạch đầu tư phát triển thị trấn Bình Minh trở thành đô thị động lực của vùng ven biển huyện Kim Sơn.
Đối với những vị trí, khu vực bãi bồi đã ổn định cần phải đưa vào hệ thống bản đồ để theo dõi và quản lý đất đai, rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường, quản lý địa giới hành chính. Đẩy mạnh kết nối liên vùng, hợp tác với các địa phương ven biển thuộc các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa… nhằm thúc đẩy các lĩnh vực như: Vận tải biển, du lịch, NTTS, bảo vệ môi trường biển, chống biến đổi khí hậu, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ biển… khai thác và sử dụng hợp lý vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn, quyết tâm đưa kinh tế biển trở thành kinh tế mũi nhọn, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của tỉnh.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hà Trang (thực hiện)