PV: Theo đồng chí, sản xuất vụ mùa 2018, Kim Sơn có những thuận lợi và khó khăn gì? Đ/c Đỗ Hải Quang: Nông nghiệp luôn là ngành kinh tế trọng tâm của huyện Kim Sơn. Đặc biệt, thực hiện theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, nông nghiệp huyện Kim Sơn đã có bước phát triển mạnh mẽ, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao. Đối với sản xuất lúa nói chung và vụ mùa 2018 nói riêng, UBND huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo, có những chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như hỗ trợ thuốc diệt chuột, trạm bơm vô ống...
Hiện nay, toàn huyện đã cơ bản thực hiện xong việc dồn điền, đổi thửa, đây là điều kiện thuận lợi trong việc chỉ đạo, điều hành, quản lý sâu bệnh, áp dụng cơ giới hóa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất. UBND huyện đã xây dựng được phương án, kế hoạch phòng, chống lụt bão, phương án phòng chống úng, lụt để bảo vệ lúa mùa.
Bên cạnh đó, các chương trình giống, khuyến nông, các chương trình kinh tế - xã hội đã và đang tạo điều kiện tích cực cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Ngoài ra, giá vật tư nông nghiệp tương đối ổn định, tạo điều kiện cho nông dân lựa chọn, đầu tư thâm canh.
Song song với những thuận lợi kể trên, cũng còn đó nhiều khó khăn khách quan. Thời tiết, thủy văn vụ mùa thường diễn biến rất phức tạp và khó lường. Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn tỉnh, vụ mùa năm 2018, sẽ có từ 2-3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta. Nền nhiệt độ ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm. Lượng mưa toàn mùa ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm.
Cùng với đó, tình hình các đối tượng dịch hại cây trồng trong vụ mùa diễn biến phức tạp, nhất là bệnh lùn sọc đen phương Nam, bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn hiện tại chưa có thuốc phòng trừ đặc hiệu, một số giống kháng bệnh mới đưa vào sản xuất chưa thay thế được những giống đang gieo cấy phổ biến hiện nay.
PV: Xin đồng chí cho biết, mục tiêu sản xuất vụ mùa 2018 của huyện?
Đ/c Đỗ Hải Quang: Mục tiêu chung là tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hàng hóa; chú trọng chuyển đổi diện tích vùng cấy lúa năng suất thấp sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hoặc cấy lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Tiếp thu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tập trung đầu tư, thâm canh tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân.
Chủ động phòng tránh thiên tai, dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra đối với sản xuất. Chú trọng phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, nhất là mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu cụ thể là toàn huyện phấn đấu gieo trồng 8.200 ha lúa vụ mùa 2018, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm 65% trở lên. Năng suất bình quân đạt 56 tạ/ha, tổng sản lượng đạt gần 46 nghìn tấn.
PV: Để đạt được mục tiêu trên, huyện đã đề ra những giải pháp gì?
Đ/c Đỗ Hải Quang: Để sản xuất vụ mùa đạt được mục tiêu đặt ra, bên cạnh đảm bảo về diện tích gieo trồng, huyện cũng chú trọng công tác chỉ đạo các cấp, ngành có liên quan, các HTX nông nghiệp tích cực vận động bà con nông dân thực hiện đúng lịch thời vụ gieo cấy và cơ cấu giống.
Theo đó, gieo cấy mùa trung từ 75-80% diện tích, gieo mạ từ ngày 3-5/7/2018, cấy xong trước ngày 25/7/2018. Các giống chủ yếu là LT2, Bắc thơm số 7, Nếp 97, Phú ưu 1... Các đơn vị căn cứ tình hình bệnh bạc lá tại địa phương để lựa chọn các giống kháng bạc lá đưa vào cơ cấu giống.
Gieo cấy mùa muộn từ 20-25% diện tích, thời gian gieo mạ từ ngày 5-10/6/2018, cấy xong trước ngày 25/7/2018 với các giống chủ đạo là Nếp, Tám, Dự; chú trọng mở rộng diện tích nếp hạt cau.
Đối với diện tích lúa gieo sạ, các đơn vị phải có kế hoạch sản xuất, bố trí gọn vùng, chủ động tưới tiêu, thời gian sạ xong trước ngày 20/7/2018.
Dự phòng mạ cho khoảng 10% diện tích cấy, các hộ cần chủ động gieo tăng mạ và bảo quản số mạ còn lại sau khi cấy đề phòng khi úng, lụt có mạ để cấy dặm.
Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm các giải pháp kỹ thuật. Sau khi thu hoạch nhanh, gọn lúa đông xuân, cần huy động các nguồn lực tập trung cho làm đất; đất phải được cày, bừa kỹ, tơi nhuyễn, phẳng, đảm bảo thời vụ. Gieo mạ đúng lịch, chăm sóc, phun phòng trừ sâu bệnh theo thông báo của cơ quan chuyên môn. Đảm bảo đủ mạ cấy hết diện tích trong khung thời vụ tốt nhất; cấy đúng tuổi mạ, đối với lúa lai cấy 1-2 dảnh/khóm, lúa thuần cấy 2-3 dảnh/khóm; cấy từ 25-30 khóm/m2, khi mạ đạt từ 2,5-3 lá; đối với lúa sạ, lượng giống sử dụng từ 1-1,2kg/sào.
Tập trung điều tiết nước hợp lý phục vụ cho gieo cấy, chăm bón, tạo điều kiện cho lúa mùa sinh trưởng, phát triển. Phân bón và kỹ thuật bón phân cân đối tỷ lệ NPK, bón đúng kỹ thuật tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh để thông báo cho nông dân phòng trừ kịp thời khi đến ngưỡng phải phòng trừ.
PV: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!
Thái Học (thực hiện)