Cùng đồng chí Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Lộc đến thăm gia đình chị Phạm Thị Bưởi, ở xóm 6 - một trong những hộ dân được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Trời mưa nên chị Bưởi nhốt đàn bò trong chuồng và đang lấy rơm khô, cám cho chúng ăn. Chị chia sẻ: Hai vợ chồng tôi sức khỏe đều yếu, nghề nghiệp lại không có, cả nhà 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên lúc nào gia đình cũng trong tình trạng "thiếu trước hụt sau" và thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhờ sự quan tâm của cán bộ thôn, Hội Nông dân xã, năm 2016 tôi được đưa vào diện vay vốn ưu đãi của NHCSXH. Với số tiền 50 triệu đồng được vay, tôi mua được cặp bò, sau đó dần dần, bò sinh đẻ được 4 con bê, gia đình bán đi 3 con, giữ lại 1 con để tiếp tục nhân đàn.
Tuy giá bê thời gian gần đây giảm sút nhưng lãi cũng đủ để sửa sang được nhà cửa, mua sắm một số vật dụng trong nhà và nuôi con ăn học. Chia tay chị Bưởi, tôi mong đàn bò của chị khỏe mạnh, mau lớn, mau cho lợi nhuận, tiếp tục là nguồn thu bền vững của gia đình.
Đến với Cồn Thoi, một trong những xã bãi ngang khó khăn nhất của huyện, chúng tôi tiếp tục gặp gỡ nhiều hộ vay vốn khác, họ không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ nguồn vốn ưu đãi của nhà nước. Tiêu biểu như gia đình chị Phạm Thị Hoa, xóm 5, vay vốn để nuôi tôm, cua nay đã thoát nghèo; gia đình ông Nguyễn Kim Thành vay 50 triệu đồng đầu tư máy móc, nguyên vật liệu làm xưởng đá mỹ nghệ, doanh thu cả tỷ đồng/mỗi năm, ngoài ra còn tạo việc làm cho 5 lao động địa phương…
Qua gặp gỡ các hộ vay vốn, có thể thấy, tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả và đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện ven biển còn nhiều khó khăn này.
Được biết, qua gần 16 năm triển khai thực hiện tín dụng chính sách ưu đãi, toàn huyện Kim Sơn đã có hàng chục nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, qua đó đã giúp cho gần 13 nghìn lượt hộ thoát nghèo, trên 13 nghìn lượt hộ có cải thiện về cuộc sống, khoảng 20 nghìn hộ có chuyển biến về nhận thức làm ăn, trên 17 nghìn lượt lao động được tạo việc làm mới.
Ngoài ra, nguồn vốn của NHCSXH còn giúp cho hơn 2 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; gần 15 nghìn hộ gia đình có điều kiện xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường…100% số hộ nghèo đủ điều kiện có nhu cầu đã được vay vốn.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH Kim Sơn tập trung bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016-2020… để chủ động tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện chỉ đạo thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về vốn chính sách ưu đãi của Chính phủ và các đối tượng được thụ hưởng; quyền lợi và trách nhiệm của hộ vay trong việc trả nợ.
Xây dựng kế hoạch, thông báo kịp thời nguồn vốn cho các xã để các xã phân bổ cho các thôn, xóm, các tổ vay vốn bình xét cho vay. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để hộ dân đầu tư đồng vốn có hiệu quả.
Đặc biệt, tránh tình trạng bà con sử dụng vốn sai mục đích, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện yêu cầu chính quyền các xã, các hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện tốt công tác bình xét đối tượng, đảm bảo chính xác, trên cơ sở công khai, dân chủ có sự bàn bạc thống nhất từ Ban quản lý thôn, xóm và sự tham gia của nhân dân.
Bên cạnh đó, Phòng giao dịch cũng cử cán bộ phụ trách địa bàn xuống cơ sở hướng dẫn nghiệp vụ quản lý vốn cho các Tổ tiết kiệm và vay vốn; xử lý tốt nợ đến hạn, tích cực đôn đốc nợ quá hạn, quan tâm xử lý một số hộ vay có điều kiện trả nợ nhưng có dấu hiệu cố tình chây ỳ.
Hà Phương