Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về "Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030" được ban hành vào tháng 6/2016, hai tháng sau, huyện Kim Sơn đã tập trung nghiên cứu, hoàn thiện và ban hành Nghị quyết số 02 của Huyện ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, đến nay, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Kim Sơn đã từng bước được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong cơ cấu ngành nông nghiệp, trồng trọt chiếm tỷ trọng lớn nhất và ổn định từ năm 2015 - 2017 là 64,8%. Diện tích trồng lúa hàng năm toàn huyện có xu hướng giảm dần, từ 16.650ha năm 2015 xuống còn 16.400 ha năm 2017.
Tuy giảm về diện tích gieo trồng song việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp khoa học kỹ thuật trong thâm canh, tăng cường phòng chống dịch bệnh, chuyển đổi cơ cấu giống nên năng suất, chất lượng, sản lượng cây trồng tăng cao, đảm bảo an ninh lương thực và tiêu dùng nội địa.
Năm 2017, năng suất lúa bình quân đạt 57,9 tạ/ha, sản lượng đạt gần 95.000 tấn; trong đó, diện tích lúa chất lượng cao cả năm chiếm 66,77%, sản lượng đạt hơn 61.600 tấn. Cơ cấu giống lúa chất lượng cao chủ yếu là Bắc thơm số 7, LT2, các giống tám thơm, nếp, dự cổ truyền... Những năm gần đây, diện tích các giống lúa tám, nếp, dự được mở rộng.
Trong vụ mùa năm 2017, diện tích các giống này là 960 ha, tăng 530 ha so với vụ mùa năm 2015; giá bán cao hơn khoảng 1,6 lần so với giống đại trà. Cùng với đó, sản xuất cây dược liệu có bước phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Diện tích gieo trồng năm 2017 đạt 54 ha với các loại cây trồng chính là bạch chỉ, trạch tả, đinh lăng…
Lĩnh vực chăn nuôi được huyện xác định là ngành sản xuất quan trọng, tỷ trọng ngành chăn nuôi năm 2017 là 24%. Thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, huyện chuyển đổi mạnh từ phương thức chăn nuôi nông hộ sang phương thức chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa như gia trại, trang trại, công nghiệp và bán công nghiệp; con nuôi chủ lực là lợn, trâu, bò, gia cầm và các con nuôi đặc sản.
Công tác phòng, chống dịch bệnh được các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm thực hiện nên trong nhiều năm nay trên địa bàn huyện không có dịch bệnh xảy ra. Công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi.
Năm 2017, tổng đàn gia súc là hơn 100 nghìn con, đàn gia cầm là 1,1 triệu con. Số lượng đàn con nuôi tăng ở tất cả các đối tượng nuôi, trong đó cao nhất ở đàn lợn, tăng 74%; đàn bò tăng 65%; đàn gia cầm tăng 61% và đàn trâu tăng 18%. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2017 là 8.560 tấn, tăng 626 tấn so với năm 2015, sản lượng thịt tăng mạnh nhất là thịt bò, tăng 182%; số lượng đàn lợn tăng 174%. Theo rà soát, thống kê của các xã, hiện nay trên địa bàn huyện Kim Sơn có 51 mô hình sản xuất có hiệu quả không sử dụng đất trồng lúa, trong đó chăn nuôi 41 mô hình và 10 mô hình tổng hợp.
Trong lĩnh vực thủy sản, ngày càng nhiều mô hình được áp dụng công nghệ cao vào nuôi thủy sản nước mặn, lợ như: Hệ thống xử lý nước tiên tiến, hệ thống ao ươm, ao nuôi hiện đại, ao nổi, đáy lót bạt, có trụ bê tông ở giữa ao để kéo cáp ra xung quanh để mùa đông thì che phủ nilon trắng giữ nhiệt, mùa hè che lưới chống nắng nóng cho tôm. Nuôi trồng thủy sản nước ngọt cũng có bước phát triển, hiện tại diện tích thủy sản nước ngọt là gần 1.000ha.
Một số địa phương đã chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm gắn với nuôi trồng thủy sản, hình thành một số vùng sản xuất thủy sản nước ngọt tập trung, quy mô từ 5 - 20 ha, tập trung ở một số xã như: Quang Thiện, Như Hòa, Kim Chính, Văn Hải, Kim Tân...
Có thể khẳng định, sau hơn 2 năm đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 02 của Huyện ủy, kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Kim Sơn đã có những chuyển biến cơ bản. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, các sản phẩm thế mạnh của địa phương được lựa chọn tập trung phát triển.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân tồn tại khác nhau nên qua thực tiễn triển khai vẫn còn nhiều hạn chế: Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít; chuỗi liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp còn thiếu bền vững; đời sống nhân dân khu vực nông thôn vẫn ở mức thấp; nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa chưa có sự chuyển biến rõ rệt… Đây sẽ là những thử thách không nhỏ trong quá trình xây dựng nền nông nghiệp của huyện Kim Sơn tiên tiến, bền vững trong những năm tiếp theo.
Thái Học