Đến ngày 1/3, huyện đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa đông xuân. Tổng diện tích gieo cấy toàn huyện đạt 8.315 ha, trong đó, giống lúa thuần, lúa chất lượng cao như Bắc Thơm 7, LT2, TBR225... là các giống lúa chủ đạo với hơn 5.400 ha gieo cấy. Thời gian này, bà con nông dân đang tập trung quyết liệt vào công tác chăm sóc, giúp cây lúa sinh trưởng, đẻ nhánh.
Các HTX nông nghiệp đã hướng dẫn, vận động bà con nông dân tập trung vào 3 nhiệm vụ chính, đó là: tỉa dặm lúa, điều tiết đủ nước phục vụ chăm bón, bên cạnh đó vẫn phải theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh. Do ảnh hưởng của đợt rét kỷ lục đầu vụ, một số diện tích gieo trồng bị chết. Do đó, việc làm quan trọng trong quá trình chăm bón lúa là bà con cần tiến hành tỉa dặm. Đối với hơn 300 ha gieo vãi, tập trung tại các xã Yên Mật, Tân Thành, Cồn Thoi... việc tỉa dặm sẽ giúp bổ sung lúa bị chết và đảm bảo mật độ. Đối với diện tích lúa đang phát triển cần cung cấp đủ nước giúp lúa đẻ nhánh.
Các HTX nông nghiệp đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh KTCTTL huyện nhằm đảm bảo công tác điều tiết nước vào đồng ruộng. Huyện cũng đã chỉ đạo các xã về việc đẩy mạnh công tác làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tu sửa hệ thống cống, hệ thống máy bơm để phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ động xây dựng cánh đồng mẫu lớn để sản xuất tập trung theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân.
Trong công tác phòng trừ sâu bệnh, các xã viên HTX được huy động, hình thành các tổ kiểm tra, theo dõi đồng ruộng, cập nhật quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa cũng như tình hình diễn biến sâu bệnh, dịch hại để HTX thông báo nhanh chóng, kịp thời cho bà con nông dân về cách ứng phó.
Gia đình bà Nguyễn Thị Tương, xã Đồng Hướng gieo cấy 4 sào lúa tám, do gieo mạ sau ngày 22-1 nên tránh được đợt rét đậm, mạ không bị chết. Bà Tương cho biết: HTX đã có thông báo cụ thể, chi tiết về lịch thời vụ. Khi thời tiết diễn biến bất thường, các cán bộ của HTX sẽ thông báo ngay về các đội sản xuất, khuyến cáo những điều nên hoặc không nên làm cho từng thời kỳ. Ví dụ như khi gieo cấy phải đảm bảo điều kiện môi trường trên 15 độ C để tránh hiện tượng lúa bị "sốc" nhiệt độ.
Ông Nguyễn Viết ái, Giám đốc HTX nông nghiệp Đồng Hướng cho biết: Mỗi vụ sản xuất, HTX tổ chức họp tổng kết, đúc rút những bài học kinh nghiệm sản xuất, từ đó hình thành các giải pháp kỹ thuật thâm canh cụ thể. Ví dụ như cấy mạ từ 2,5 - 3 lá, khi nhiệt độ ngoài trời trên 15 độ C. Đối với lúa lai, cấy 1-2 dảnh/khóm; lúa thuần cấy 2-3 dảnh/khóm; đảm bảo mật độ từ 30 - 35 khóm/m2. Việc bón phân phải đảm bảo quy trình kỹ thuật, cần lưu ý bón phân cân đối NPK, không nên lạm dụng phân đạm...
Vụ đông xuân năm nay được xác định là một vụ sản xuất khó khăn do những diễn biến phức tạp của thời tiết. Tại huyện Kim Sơn, thời vụ gieo cấy lúa đã phải lùi lại hơn 10 ngày so với kế hoạch. Nguyên nhân chính là do rét đậm, rét hại kéo dài, bà con nông dân không thể xuống đồng gieo cấy lúa, khiến một số diện tích lúa lỡ lứa. Đương nhiên, việc để mạ già mới tiến hành gieo cấy sẽ hạn chế phần nào khả năng sinh trưởng và phát triển của cây.
Thêm vào đó, cuối vụ mùa 2015, tình trạng mưa kéo dài khiến đồng ruộng Kim Sơn không thể tiến hành để ải. Bởi vậy, có thể khẳng định rằng: lúa đông xuân năm nay sinh trưởng và phát triển khó khăn hơn mọi năm. Điều đó sẽ gây nhiều áp lực cho người nông dân trong vụ sản xuất, bởi kết quả cuối vụ càng phụ thuộc vào công tác chăm bón cũng như phòng trừ sâu bệnh giữa vụ.
Thái Học-Đức Lam