Có mặt tại các ao nuôi tôm thuộc các xã Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông (huyện Kim Sơn) vào thời điểm này, chúng ta dễ dàng bắt gặp không khí lao động tấp nập trên những ao, hồ nuôi tôm. Sự háo hức hiện rõ trên khuôn mặt của người dân. Anh Trịnh Xuân Hợp ở xóm 6, xã Kim Đông cho biết : Vụ nuôi tôm năm 2019, nhờ tuân thủ đúng kĩ thuật nên hầu hết các hộ nuôi tôm trong vùng đều có lãi. Do vậy, bước vào vụ nuôi tôm 2020 này, người dân phấn khởi đầu tư kinh phí cải tạo ao nuôi kĩ hơn, đúng với hướng dẫn kĩ thuật của ngành chuyên môn. Riêng gia đình anh với ao nuôi hơn 3.000m2, năm 2019 đã thu được hơn 1 tấn tôm sú, kích cỡ 40 con/kg, trừ chi phí anh thu lãi hơn 100 triệu đồng. Làm ăn có lãi, nên vụ nuôi tôm năm 2020 anh tiếp tục đầu tư thêm, mọi công đoạn đều được chuẩn bị kĩ càng. "Dịch bệnh đối với nghề thủy sản, nhất là con tôm rất khó chữa trị. Mấy ngày nay tôi thuê máy múc, máy ủi về tu sửa lại ao nuôi, vãi vôi diệt khuẩn, đồng thời liên hệ với các công ty giống để đặt hàng trước tôm giống đảm bảo có được những con giống chất lượng nhất về thả nuôi. Nếu thời tiết tiếp tục tốt như thế này thì dự kiến gia đình sẽ thả giống vào khoảng đầu tháng 4", anh Hợp nói.
Năm 2019 là một năm tương đối thành công đối với các hộ nuôi thủy sản nước mặn, lợ huyện Kim Sơn. Trên diện tích thả nuôi gần 3.350 ha, sản lượng thủy sản thu được là 20.267 tấn. Trong đó, ngao 17.850 tấn, tôm sú 365 tấn, tôm rảo 185 tấn, cua xanh 385 tấn, tôm thẻ 760 tấn, rong câu 547 tấn, thủy sản khác 175 tấn. Tiếp nối kết quả này, năm 2020, Kim Sơn đặt mục tiêu duy trì ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản đã có, tuy nhiên, đẩy mạnh việc nuôi trồng theo hướng hàng hóa, năng suất, chất lượng, hiệu quả và bền vững, nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Cụ thể: Diện tích nuôi thả vụ 1 là 2.115 ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến là 1.985 ha, diện tích nuôi tôm thẻ công nghiệp và bán công nghiệp là 130 ha. Diện tích nuôi thả vụ 2 là 2.115 ha, trong đó diện tích nuôi cua xanh là 1.985 ha, diện tích nuôi tôm thẻ công nghiệp và bán công nghiệp là 130 ha. Phấn đấu sản lượng đạt 24.714,5 tấn.
Từ dự báo về tình hình thời tiết, tình hình quan trắc môi trường, để đảm bảo hiệu quả sản xuất nuôi tôm nước lợ năm 2020, hạn chế thấp nhất diện tích thiệt hại và đạt kế hoạch đề ra, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện đã xây dựng lịch thả giống như sau: Đối với hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến bắt đầu ương giống từ ngày 15/3 đến 31/3 và bắt đầu thả giống tôm sú nuôi thương phẩm từ ngày 1/4. Đối với hình thức nuôi ghép tôm sú xen với cua xanh thì tôm sú thả vào đầu tháng 4 và cau xanh thả vào đầu tháng 5. Đối với hình thức nuôi tôm sú công nghiệp, căn cứ vào lịch sản xuất tôm thẻ chân trắng và áp dụng theo điều kiện lợi thế vùng của từng hộ nuôi. Đối với nuôi tôm thẻ công nghiệp, nuôi thương phẩm đợt 1 thả giống từ tháng 4 đến tháng 5, nuôi thương phẩm đợt 2 bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 9.
Ông Trần Anh Khiêm, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn cho biết: Đến thời điểm này, việc chuẩn bị cho vụ tôm mới đã sẵn sàng, nhiều ao nuôi đã được cải tạo đúng quy trình, con giống được chọn mua tại các cơ sở có uy tín. Tuy nhiên, trong năm 2020, ngành tôm được dự báo sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Tình hình xâm nhập mặn được dự báo sẽ diễn ra gay gắt, có nguy cơ làm phát sinh nhiều dịch bệnh. Do vậy, người nuôi nên lưu ý về diễn biến thời tiết và lịch thời vụ để bố trí mùa vụ sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Hiện, Phòng đang tiếp tục phối hợp với Chi cục Thủy sản để chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các cơ sở thực hành an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm, đảm bảo cung cấp cho người nuôi tôm có được nguồn tôm giống chất lượng. Ngoài ra, UBND huyện cũng đã có quyết định thành lập Đoàn kiểm tra lưu động liên ngành để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển giống thủy sản lưu thông trên địa bàn nhằm kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vận chuyển, buôn bán giống thủy sản không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Được biết, Chi nhánh KTCTTL huyện đang phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch cấp, thoát nước cho vùng nuôi đảm bảo phù hợp với từng thời điểm sản xuất, từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của đối tượng thủy sản nuôi chính. Chi nhánh Điện lực Kim Sơn đảm bảo kế hoạch cung cấp điện ổn định, an toàn. Trạm Thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh thường xuyên thu mẫu, phân tích chất lượng nước, cảnh báo môi trường vùng nuôi, thông báo kết quả kiểm tra và hướng dẫn các biện pháp xử lý.
Ngoài ra, nhằm giúp người nuôi tăng cường liên kết sản xuất, cùng nhau tạo ra sản phẩm tôm sạch đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần phát triển nghề nuôi tôm bền vững, Chi cục Thủy sản khuyến khích hộ nuôi tiếp tục áp dụng các mô hình nuôi hiệu quả như: Mô hình nuôi 2 giai đoạn, mô hình ứng dụng vi sinh, mô hình kết hợp cá rô phi/cá chẽm/cá đối mục với tôm thẻ hoặc tôm sú và đặc biệt là mô hình đa dạng hóa sinh học trong ao nuôi, nuôi ao lót bạt… Với sự hướng dẫn từ ngành chuyên môn, nhiều hộ nuôi và HTX đã sẵn sàng cho vụ nuôi tôm nước lợ năm 2020.
Hà Phương