Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của mình, anh Tường tự hào nói: Năm 2010, gia đình tôi đầu tư mua 1 ha đầm ở Kim Đông để nuôi thả tôm, cua. Khi đó chỉ đơn giản là làm theo thói quen nên phụ thuộc nhiều vào thời tiết "được ăn, thua chịu". Nhưng sau nhờ có sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, cộng với kinh nghiệm nên việc nuôi thủy sản đã thuận lợi hơn. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh Tường kết hợp nuôi tôm, cua và trồng cây hoa quả trên các bờ đầm. Nhờ làm ăn có lãi, gia đình anh đã đầu tư thêm hàng chục ha đầm và trồng các loại cây có thế mạnh ở địa phương như: dưa, bí đỏ, thanh long ruột đỏ, táo, ổi… Hiện nay 900 trụ thanh long của gia đình anh cho thu hoạch 10 kg/trụ/năm; 400 cây chanh đào, 1 năm thu hoạch 30 kg/cây... Anh Tường cho biết: Đất ở đây tốt, phù hợp với các loại cây này nên tiểu thương đổ về đây nhập hàng rất đông, giá cũng cao hơn ngoài thị trường. Mùa này các loại hoa quả khác đã hết vụ, chỉ còn táo. Vụ táo năm nay nhà tôi cũng thắng lợi lớn, ước tính được gần 1 tấn, đủ để cung cấp hàng cho dịp tết Nguyên đán.
Anh Tường vui vẻ thông báo: Tết này gia đình tôi có niềm vui rất lớn, cả thu nhập từ nuôi trồng thủy sản và cây trái trong vườn, năm nay nhà tôi lãi gần tỷ đồng. Thu nhập cao nhất từ trước đến nay".
Có lẽ niềm vui ấy đã vượt ra khỏi phạm vi của các gia đình, trở thành niềm vui, niềm tự hào của cả xã. Làm việc với chúng tôi, ông Trần Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Kim Đông vui vẻ khoe: Mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập tiền tỷ ở Kim Đông bây giờ có khoảng 30 hộ. Đây là kết quả của chủ trương xây dựng nông thôn mới, trong đó xã xác định nâng cao thu nhập cho người dân là cốt lõi của phong trào.
Để hiện thực hóa chủ trương này, xã đã nhanh chóng xây dựng Đề án phát triển kinh tế theo chương trình nông thôn mới trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng bãi ngang, đó là nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả, đồng thời vận động người dân tích cực cải tạo vườn tạp, đất gò đầm trồng các loại cây ăn quả. Do đó, hàng chục héc-ta đất gò đầm hoang hóa trước đây, nay được thay thế bằng những vườn thanh long, vườn táo… cho giá trị kinh tế cao. Lợi nhuận thu về từ trồng các cây màu, cây ăn quả cũng đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã Kim Đông phối hợp với các phòng, ban, cơ quan chức năng các cấp đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Điều kiện tự nhiên của xã thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy, hải sản nên xã quyết định cho nước mặn vào đồng. Bà con không cấy lúa nữa mà chuyển sang nuôi thủy, hải sản theo hình thức quảng canh.
Từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã vận động bà con chuyển sang hình thức nuôi công nghiệp để tăng năng suất, giảm rủi ro khi nuôi. Dự án "Phát huy lợi thế vùng" của tỉnh đã hỗ trợ một số mô hình nuôi tôm thẻ, tôm sú công nghiệp cho hiệu quả cao. Xã Kim Đông cũng hỗ trợ những hộ có những mô hình với quy mô diện tích tương đối. Bên cạnh đó, xã còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 3 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về ươm, thả tôm, cua và cách chăm sóc, phòng trừ bệnh dịch cho hàng trăm lượt người, thành lập trạm kiểm dịch đo kiểm tra môi trường nước. Chính vì vậy, ở Kim Đông ngày càng có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh; số hộ vươn lên thoát nghèo, có đời sống khá giả ngày càng tăng. Thu nhập từ nuôi trồng, thủy sản của Kim Đông đạt 120 triệu đồng/ha/năm, sản lượng đạt trên 580 tấn năm 2014.
Được thành lập từ năm 1998 trong điều kiện kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn nhưng bằng sự đoàn kết nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, xã Kim Đông đã đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2014, sớm so với kế hoạch 5 năm. Đưa chúng tôi đi một vòng quanh xã, đồng chí Chủ tịch UBND xã cho biết: Các công trình như chợ, nhà văn hóa, trạm y tế... đều được xây dựng khang trang. Hiện tại, tất cả các tuyến đường ở Kim Đông đã được bê tông hóa. Tiêu chí về giao thông đã hoàn thành năm 2013. Tuyến đường liên huyện đi qua xã dài 6 km, đường liên xã dài 2,7 km với nền đường rộng 5 m được đổ bê tông, hệ thống trục đường liên xóm tổng chiều dài gần 14 km, đường ngõ xóm, đường nội đồng tổng chiều dài 112 km cũng được kiên cố hóa đạt chuẩn. Đây là điều kiện căn bản để Kim Đông nhanh chóng đi vào ổn định, phát triển kinh tế hộ, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Từ một xã bãi ngang ven biển của huyện Kim Sơn với bộn bề khó khăn khi mới thành lập nhưng hôm nay, mảnh đất này đã có diện mạo mới và có sức hút đến kỳ lạ. Sức hút ấy hiển hiện ngay ở màu xanh cây trái trên từng bờ đầm, bờ thửa, sự ấm cúng, tiện nghi trong từng ngôi nhà và trên gương mặt của mỗi con người sự sung túc, bình yên đã về, báo hiệu một mùa xuân no ấm.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm