Để Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả, Đảng ủy, HĐND xã đều có nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới. Ban chỉ đạo xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Chương trình đến mọi tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức. Đặc biệt, xã chú trọng cử cán bộ xã, ban phát triển các xóm tham gia các lớp tập huấn về cách làm nông thôn mới. Để từ đó phát huy, nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát tại cộng đòng, phát huy vai trò của người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.
Nhận thức rõ vai trò của mình trong xây dựng nông thôn mới, người dân xã Kim Chính đã tích cực tham gia các phong trào, việc làm mà ở đó vai trò của người dân được thể hiện rõ. Điển hình như trong trong sản xuất nông nghiệp, người dân trong xã đã tích cực chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa. Đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà.
Thực hiện chủ trương của xã về dồn điền đổi thửa, các hộ dân trong xã đã nhanh chóng chấp hành và tiến hành dồn, đổi với mong muốn có những diện tích canh tác lớn để tập trung sản xuất hàng hóa. Đến nay, xã đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa với tổng diện tích là 405,13 ha, đưa số thửa giảm từ 3,13 thửa/hộ xuống còn 1,6 thửa/hộ. Bên cạnh đó, người dân đã hiến đất để làm giao thông, thủy lợi với diện tích 20 ha, kinh phí do dân đóng góp là trên 2,3 tỷ đồng…
Xã cũng có 30 máy làm đất các loại, 5 máy gặt đập liên hoàn nên trên địa bàn canh tác của xã hoàn toàn chủ động được về khâu điều tiết nước, làm đất, cơ bản thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn nên đã góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập cho người dân. Trên địa bàn xã có 2 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, thực hiện tốt 7 khâu dịch vụ nên đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, canh tác của người dân.
Hiện địa bàn xã đã hình thành 2 mô hình liên kết sản xuất, có 32 gia trại có thu nhập bình quân gần 400 triệu đồng/gia trại/năm, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 4000 tấn (năm 2017), diện tích nuôi trồng thủy sản là 65,57 ha, tổng sản lượng đạt 436 tấn thủy sản/năm…
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, để giải quyết việc làm cho người nông dân lúc nông nhàn, tăng thu nhập, xã đã có nhiều biện pháp khuyến khích phát triển các ngành nghề, dịch vụ phi nông nghiệp. Bên cạnh việc duy trì phát triển các nghề truyền thống như: xe đay, đan lát, chiếu cói thông qua việc khai tác có hiệu quả các nguồn hàng từ các doanh nghiệp trong địa bàn và ngoài địa bàn để tạo việc làm cho dân. Xã đã quan tâm duy trì hiệu quả các nghề chế biến nông sản như: nghề làm bún, bánh, miến dong, dịch vụ vận tải…Do đó, các nghề tăng cả về chất lượng và số lượng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế của xã.
Hiện trên địa bàn xã có 6 doanh nghiệp và 3 làng nghề đang hoạt động, thu hút trên 800 lao động có mức thu nhập ổn định từ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Số lao động của địa phương làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là 1.000 người với thu nhập ổn định từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 1,79%.
Sự tham gia tích cực, hiệu quả của người dân địa phương trong xây dựng nông thôn mới ở Kim Chính còn thể hiện rõ nét ở việc người dân đã quan tâm đầu tư kinh phí, ngày công để hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa. Đến nay, cả 11/11 xóm của xã đểu có nhà văn hóa. Trong đó, 6 năm qua các xóm đã xây mới 10 nhà, nâng cấp, sửa chữa 1 nhà.
Các nhà văn hóa xóm đều đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, người dân địa phương còn chú trọng chỉnh trang, nâng cấp đường làng ngõ xóm. Tiến hành trồng cây xanh theo tuyến giao thông, xây dựng hàng rào, vệ sinh đường làng ngõ xóm sạch đẹp, thu gom rác thải đúng quy định…
Nhìn lại quá trình 6 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn Kim Chính đã thay đổi rõ rệt. Cơ sở hạ tầng đã cơ bản được xây dựng và hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân. Đồng thời, trên địa bàn xã cũng hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nâng cao thu nhập người dân. Trong kết quả chung đó, có sự tham gia tích cực, hiệu quả và trách nhiệm của người dân địa phương.
Bài, ảnh: Lý Nhân