Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh đã có những giải pháp gì để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm lĩnh vực nông, lâm sản và thủy sản trong dịp Tết Nguyên đán?
Đ/c Lê Hồng Sinh: Không chỉ dịp Tết Nguyên đán mà công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm sản và thủy sản luôn được Chi cục quan tâm thực hiện thường xuyên trong năm. Với chức năng được giao, Chi cục đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh ban hành các văn bản về tăng cường công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Bên cạnh đó, Chi cục đã triển khai đồng bộ cả 3 giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản đó là: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về đảm bảo an toàn thực phẩm, tập trung vào nhóm đối tượng chính là người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng; đẩy mạnh hoạt động thanh, kiểm tra và xử lý kịp thời, kiên quyết các cơ sở vi phạm, sẵn sàng đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở có vi phạm, giới thiệu những cơ sở thực hiện tốt để người tiêu dùng nắm bắt được thông tin và có sự lựa chọn. Đồng thời, Chi cục còn quan tâm xây dựng các mô hình điểm về quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi nhằm quản lý được các sản phẩm, thực phẩm ngay từ khâu đầu vào như: mẫu đất, nguồn nước, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… bằng việc kiểm soát được các yếu tố đầu vào sẽ tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng.
Xác định dịp giáp Tết Nguyên đán là thời điểm lượng hàng hóa, thực phẩm xuất hiện nhiều trên thị trường, do đó Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thành phố, thị xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý triển khai các hoạt động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Chi cục đã tham gia đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiến hành thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm thuộc lĩnh vực để kiểm tra, kịp thời phát hiện các cơ sở có vi phạm, không để thực phẩm không đảm bảo chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc… trà trộn vào thị trường.
Cùng với hoạt động thanh, kiểm tra, Chi cục sẽ tiến hành tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn các chủ cơ sở chấp hành nghiêm các quy định của Luật An toàn thực phẩm nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe của người dân.
PV: Xin đồng chí cho biết về tình hình chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm sản và thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh thời gian qua?
Đ/c Lê Hồng Sinh: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều các trang trại, gia trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cơ sở sản xuất, kinh doanh lâm, thủy sản, vật tư nông nghiệp. Qua công tác thanh, kiểm tra thường xuyên của Chi cục và đoàn liên ngành của tỉnh cho thấy các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đã chấp hành tương đối tốt các quy định, điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm: trang thiết bị, nhân lực, giấy phép, tập huấn kiến thức cho người lao động, vệ sinh môi trường… Bên cạnh đó, qua thực tế lấy mẫu kiểm tra một số chỉ tiêu để xác định mức độ ô nhiễm của thực phẩm tại nhiều cơ sở trên địa bàn cho thấy các chỉ số này so với mặt bằng chung của cả nước thường bằng hoặc thấp hơn. Như năm 2013, Chi cục đã triển khai lấy 257 mẫu gồm 56 mẫu thịt, 49 mẫu rau, 94 mẫu thủy sản, 8 mẫu thức ăn chăn nuôi và 50 mẫu nước. Kết quả với 56 mẫu thịt, không phát hiện thấy chất cấm, dư lượng chất độc hại trong chăn nuôi, có 17/56 mẫu bị nhiễm vi sinh vật E.coli. Kết quả phân tích, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật trên 49 mẫu rau, có 2/49 mẫu có chứa hàm lượng Endosunfan vượt quá giới hạn cho phép; Kết quả phân tích các chỉ tiêu kim loại nặng, các chất cấm trên 94 mẫu thủy sản, không phát hiện thấy chất cấm, các chỉ tiêu kim loại nặng đều nằm trong giới hạn cho phép; 8 mẫu thức ăn chăn nuôi không phát hiện chất cấm dư lượng, chất độc hại trong chăn nuôi; 50 mẫu nước thuộc các chương trình giám sát quốc gia về an toàn thực phẩm với thủy sản, các chỉ tiêu đều đảm bảo an toàn thực phẩm… Qua đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm và vật tư nông nghiệp theo Quyết định số 738/QĐ-UBND ngày 13-10-2011 của UBND tỉnh, 123 cơ sở do cấp tỉnh quản lý có 13 cơ sở xếp loại A, 87 cơ sở xếp loại B, không có cơ sở xếp loại C; Đánh giá, phân loại 70 cơ sở do cấp huyện quản lý, có 50 cơ sở xếp loại B và 20 cơ sở xếp loại C.
PV: Thưa đồng chí, để có được nguồn thực phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần đem lại một cái Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn cho mỗi gia đình, người dân cần quan tâm đến vấn đề gì trong lựa chọn thực phẩm?
Đ/c Lê Hồng Sinh: Nguồn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán những năm qua trên địa bàn tỉnh phần lớn đều do các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn cung ứng ra thị trường. Chỉ số ít thực phẩm, hàng hóa phải nhập từ các nơi khác như: một số thực phẩm là đặc sản, hoa quả… Do đó, khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình, nên ưu tiên chọn các sản phẩm sản xuất trong nước, các sản phẩm được sản xuất còn trong hạn sử dụng, sản phẩm do các cơ sở có uy tín, thương hiệu, được cơ quan chức năng cấp phép.
Đối với thực phẩm tươi sống như: thịt gia súc, gia cầm, rau xanh, hoa quả, về mặt cảm quan khi lựa chọn sản phẩm cần chú ý chọn các loại rau quả, thực phẩm tươi, giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không dập nát, có mùi lạ. Đối với các thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn phải chú ý nhãn ghi đầy đủ nội dung về: nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thực hiện ăn chin, uống sôi…
Dịp giáp Tết cũng là thời điểm hàng hóa được bày bán ở nhiều nơi, vì thế người tiêu dùng cần quan tâm lựa chọn mua thực phẩm ở những nơi bán sạch sẽ, có uy tín, biết rõ nguồn gốc xuất xứ, nơi cung cấp để đảm bảo nguồn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán của gia đình an toàn, chất lượng.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Phan Hiếu (thực hiện)