P.V: Trong năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường đã rất nỗ lực để kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật?
Đ/c Bùi Văn Quý: Năm 2018, Cục đã chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường và ban hành các văn bản chỉ đạo các đội Quản lý thị trường triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và ATTP theo lĩnh vực, ngành hàng, nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại; các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp lễ Tết. Trong năm, Cục đã kiểm tra 3.021 vụ, xử lý 1.556 vụ với 1.595 hành vi vi phạm. Trong đó có 23 hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm; 312 hành vi buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu; 55 hành vi buôn bán, vận chuyển hàng giả; 309 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ găm hàng; 47 hành vi vi phạm trong kinh doanh; 239 hành vi vi phạm về ATTP và 610 hành vi vi phạm khác. Tổng số tiền thu phạt hơn 9,84 tỷ đồng; trong đó phạt tiền hơn 3,8 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu để bán đấu giá hơn 3,84 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu để tiêu hủy gần 2,2 tỷ đồng.
P.V: Từ nay đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tình hình thị trường sẽ rất sôi động và không loại trừ các đối tượng tìm mọi thủ đoạn đưa vào thị trường để tiêu thụ các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc… Vậy lực lượng Quản lý thị trường sẽ thực hiện những biện pháp như thế nào để đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh?
Đ/c Bùi Văn Quý: Cục Quản lý thị trường sẽ tập trung lực lượng mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như thực phẩm (đặc biệt là rượu ngoại, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo, đường, sữa và các sản phẩm từ sữa...), thực phẩm đông lạnh, các sản phẩm từ gia súc, gia cầm; sản phẩm may mặc, giày dép... và các loại hình dịch vụ như nhà hàng, các dịch vụ phục vụ lễ hội. Kiểm tra, xử lý hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, chất lượng và công tác đảm bảo ATTP; hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử..., kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường. Kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy định về việc tiếp tục giữ ổn định giá bán một số mặt hàng thuộc diện bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
P.V: Đồng chí có thể cho biết rõ hơn Cục sẽ làm gì để kiểm soát việc tuân thủ quy định tiếp tục giữ ổn định giá bán một số mặt hàng thuộc diện bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019?
Đ/c Bùi Văn Quý: Để thực hiện nội dung công việc này, Cục đã có kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Điện, điện tử, điện lạnh, xăng dầu, sản phẩm may mặc, vải, quần áo may sẵn, chăn ga, gối đệm, giày dép góp phần bình ổn thị trường; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa hợp pháp đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường với giá cả hợp lý để cung ứng kịp thời cho nhân dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn và lành mạnh. Qua kiểm tra phát hiện những bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách pháp luật để kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tìm biện pháp khắc phục; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng Quản lý thị trường.
Các đội quản lý thị trường có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an, cơ quan Thuế, Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ quan chuyên môn của UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn phụ trách, bao gồm kiểm tra việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh; kiểm tra hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc , xuất xứ hàng hóa; kiểm tra việc chấp hành quy định về ghi nhãn hàng hóa, công bố hợp chuẩn, hợp quy, tiêu chuẩn chất lượng đối với hàng hóa; kiểm tra việc chấp hành quy định về niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết; kiểm tra việc chấp hành các quy định về quyền sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
P.V: Để tự bảo vệ mình và góp phần cùng lực lượng Quản lý thị trường phòng, chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, nhất là trong dịp Tết, người tiêu dùng cần làm gì, thưa đồng chí?
Đ/c Bùi Văn Quý: Để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng cần lựa chọn hệ thống phân phối là những cơ sở có uy tín. Khi lựa chọn hàng hóa phải xem xét cụ thể hàng hóa có đầy đủ tem nhãn; nội dung trên nhãn hàng hóa có ghi đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, tính năng công dụng của hàng hóa, điều kiện bảo quản và có được niêm yết công khai về giá cả hay không; đồng thời không nên mua những hàng hóa có giá quá rẻ so với thị trường. Từ nay đến Tết, tình hình thị trường sẽ rất sôi động và không loại trừ các đối tượng tìm mọi thủ đoạn để đưa vào thị trường nhất là vùng sâu, vùng xa các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc… để tiêu thụ. Vì vậy, người dân cần chung tay với các lực lượng chức năng trong việc cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng đấu tranh, xử lý ngăn chặn các vi phạm, nhằm đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh ổn định để người dân an tâm mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Bảo Yến