Nhằm đảm bảo đầy dủ, kịp thời hàng hóa phục vụ nhân dân vui xuân đón tết, Sở Công Thương tỉnh đã có kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn giá hàng hóa dịp tết Bính Thân.
Theo đó có 6 doanh nghiệp thương mại bán buôn tham gia là: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Sơn; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cường Thịnh; Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng và thương mại Anh Đức; Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại Hà Giang; Doanh nghiệp tư nhân Vượng Thủy; Doanh nghiệp tư nhân Chính Gấm.
Các doanh nghiệp trên được hỗ trợ một phần lãi suất vay ngân hàng để mua hàng hóa dự trữ phục vụ tết Bính Thân trong thời gian từ 14/1/2016 đến 13/3/2016. Toàn tỉnh cũng tổ chức 108 điểm bán hàng bình ổn giá.
Cụ thể: Huyện Nho Quan 16 điểm; Gia Viễn 15 điểm; Hoa Lư 14 điểm; Yên Mô 15 điểm; Kim Sơn 18 điểm; Yên Khánh 18 điểm; Thành phố Tam Điệp 12 điểm. Tổng số mặt hàng bình ổn giá trong chương trình là 231 mặt hàng, thuộc 7 nhóm, tất cả các mặt hàng tham gia chương trình được sản xuất tại Việt Nam.
Cụ thể: Nhóm hàng bánh, kẹo, mứt 75 mặt hàng; nhóm hàng đường, bột ngọt 22 mặt hàng; nhóm hàng rượu, bia, nước giải khát 18 mặt hàng; nhóm hàng trà, cà phê, ngũ cốc 30 mặt hàng; nhóm hàng dầu ăn 40 mặt hàng; nhóm hàng hạt nêm, nước mắm, bột canh, mỳ tôm 40 mặt hàng; nhóm hàng nước tẩy, rửa 6 mặt hàng.
Các doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý tham gia Chương trình có tránh nhiệm: Dự trữ hàng hóa đảm bảo đúng mặt hàng, khối lượng đã đăng ký; cung ứng đầy đủ, kịp thời cho các điểm bán hàng bình ổn giá trong Chương trình, không để xảy ra tình trạng khan hàng hoặc thiếu hàng gây sốt giá.
Trong thời gian thực hiện chương trình doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về giá bán lẻ các mặt hàng tham gia chương trình, đảm bảo bằng hoặc thấp hơn mức giá mà doanh nghiệp đã đăng ký.
Khi thị trường có biến động giá giảm, doanh nghiệp điều chỉnh mức giá giảm cho phù hợp với thị trường. Khi thị trường có biến động giá tăng cao hơn 15% mức giá mà doanh nghiệp đã đăng ký với Sở Công Thương và Sở Tài Chính thì doanh nghiệp báo cáo Sở Công Thương, Sở Tài chính để được xem xét điều chỉnh giá cho phù hợp.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Đoàn đã đi thị sát một số của hàng bán lẻ tham gia chương trình thuộc xã Yên Lâm, Yên Mạc (Yên Mô); Khánh An (Yên Khánh), TP Ninh Bình và kiểm tra kho dự trữ của các doanh nghiệp Ngọc Sơn, Nam Cường, Big C Ninh Bình...
Chủ các cửa hàng, đại lý Đoàn đến thị sát đều cho biết: Đến thời điểm này hàng hóa đã được tập kết về khá đầy đủ về chủng loại; giá cả không có gì biến động, thập chí có mặt hàng còn giảm so với năm trước (dầu ăn) và cam kết sẽ bán đúng giá niêm yết, giữ giá ổn định.
Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên trong Đoàn cũng nhắc nhở một số cửa hàng, đại lý về việc treo biển "Điểm bán hàng bình ổn giá" và bảng niêm yết giá ở vị trí sao cho nhân dân dễ dàng nhận thấy; bán đúng giá, không có sự tăng giá.
Các doanh nghiệp đầu mối tích cực liên hệ với cơ sở sản xuất, lấy hàng đủ và kịp thời hàng hóa, phân phối đủ và kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ phục vụ nhân dân không để xẩy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhất là trong những ngày tới đây khi nhu cầu mua sắm của nhân dân tăng lên.
Đinh Chúc