Người mua, người bán đều thiếu hiểu biết Sau khi nghe đài truyền thanh xã phát động chiến dịch phòng trừ sâu bệnh cho lúa, ông Trịnh Văn Bình, xóm Vàng Ngọc, xã Trường Yên (Hoa Lư) đến cửa hàng quen thuộc mua thuốc, ông Bình cho biết: "Tôi kể tình hình sâu bệnh của lúa với chủ cửa hàng rồi họ bán thuốc phòng trừ sâu bệnh cho mình. Tôi không nhớ đến nhãn mác đâu... Toàn tiếng "Tây" nên khó nhớ lắm". Cũng như ông Bình, bà Nguyễn Thị Sen khi thấy ruộng lúa của gia đình xuất hiện sâu cuốn lá, bà đã ra đại lý để mua thuốc và được chủ cửa hàng đưa cho 3 loại thuốc Tungcydan 55 EC, Carbatoc 50 EC và phân bón lá cao cấp để phun.
Trao đổi với nhiều bà con nông dân khác, chúng tôi mới vỡ lẽ: không ít bà con nông dân trị bệnh cho lúa theo phong trào và kinh nghiệm. Nhiều trường hợp sau khi nghe hướng dẫn đã vội vàng đi mua thuốc. Có khi lúa nhà mình chưa đến mức phải phun phòng thì đã vội vã phun đến mấy lượt. Có gia đình lúa mới chớm nhiễm sâu cuốn lá thì đã phun cả thuốc khô vằn trộn với rầy, nhiều khi phun cả sâu đục thân. Có hộ tự tăng lượng thuốc sử dụng vì nghĩ rằng như thế sâu bệnh sẽ bị tiêu diệt nhanh hơn, triệt để hơn. Có người pha chế không đúng tỷ lệ, có người sử dụng cả thuốc ngoài danh mục. Số đông nông hộ tự tìm hiểu, tự chọn thuốc trị bệnh theo kiểu "ai chỉ đâu mua đó", hoặc hoàn toàn dựa vào sự chỉ dẫn của người bán hàng. Thế là tiền thuốc tốn đến mấy lần mà hiệu quả không cao.
Người mua thiếu hiểu biết đã đành, nhưng người bán cũng "mơ hồ". Có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc BVTV hẳn hoi nhưng một số chủ cửa hàng có kiến thức khá hạn chế. Việc niêm yết giá cả, hướng dẫn cách pha chế, liều lượng... bị nhiều đại lý bỏ qua.
Đóng vai một người đi mua thuốc BVTV, tôi hỏi mua thuốc chống bệnh vàng lá cho 2 sào lúa của gia đình. Tôi được bà chủ cửa hàng thuốc BVTV ở Cổ Đà, thị trấn Yên Thịnh (Yên Mô) đưa cho 2 loại thuốc: một loại phân bón lá và một loại là thuốc trừ sâu. Tôi hỏi phải dùng mấy gói/sào thì nhận được câu trả lời "thích phun bao nhiêu thì phun, thuốc BVTV thì vô cùng không phải theo hướng dẫn đâu".
Điều tra tình hình sử dụng thuốc ở 100 hộ nông dân vùng trồng lúa trọng điểm của Chi cục BVTV tỉnh cho thấy, 35% hộ nông dân sử dụng thuốc không đúng kỹ thuật (phun không đảm bảo lượng nước thuốc, hỗn hợp nhiều loại thuốc).
Lãnh đạo Chi cục BVTV tỉnh khẳng định: Hiện nay đang xảy ra tình trạng một số cửa hàng kinh doanh buôn bán thuốc BVTV vì lợi nhuận nên đã hướng dẫn nông dân sử dụng hỗn hợp nhiều loại thuốc để phun trừ, bán các loại thuốc không đặc hiệu để trừ một số dịch hại. Nông dân thì phun thuốc không theo hướng dẫn của HTX và cơ quan chuyên môn, vì vậy đã làm tăng lượng hóa chất đổ xuống đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Bất cập trong chính sách quản lý
Hiện nay, số lượng các cửa hàng đăng ký kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh khá lớn, trên 425 cửa hàng. Bên cạnh đó còn có nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, "buôn thúng bán mẹt", bán thuốc theo thời vụ, kinh doanh thuốc trái phép, không có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, do những bất cập về lực lượng cán bộ chuyên môn, trang thiết bị kiểm tra, kiểm nghiệm nên tần suất thanh, kiểm tra các cửa hàng ngày khá thấp. Đơn cử như năm 2012, Chi cục BVTV tỉnh chỉ kiểm tra việc chấp hành Điều lệ quản lý thuốc BVTV được 44 cửa hàng trong tổng số 425 cửa hàng (chiếm 10%). Điều này khiến cho cơ quan quản lý không phát hiệnđược những vi phạm của người kinh doanh để có điều chỉnh kịp thời. Hơn nữa, mức xử phạt quá thấp đã làm giảm hiệu lực của công tác thanh tra đối với hoạt động kinh doanh này. Theo báo cáo thanh tra, năm 2012 với 13 cửa hàng vi phạm thì số tiền xử phạt hành chính chỉ là 12 triệu đồng. Bình quân mỗi cửa hàng chỉ phải nộp phạt chưa tới 1 triệu đồng.
Cùng với các chế tài xử phạt chưa mạnh, các quy định về thẩm quyền quản lý chủ yếu hướng đến cán bộ chuyên trách. Trong khi lực lượng cán bộ chuyên trách còn quá mỏng thì các cán bộ địa phương, đặc biệt là cán bộ tuyến xã không đủ quyền lực pháp lý để quản lý các cửa hàng. Điều 21 và điều 32 của Thông tư 38/2010/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nêu rõ: Các cửa hàng kinh doanh phải đảm bảo "Địa điểm buôn bán thuốc BVTV phải được sự đồng ý bằng văn bản của chính quyền cấp xã, phường", "Chính quyền cấp xã, phường chịu trách nhiệm quản lý việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV tại địa phương; phối hợp với cơ quan chuyên môn... tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng thuốc BVTV hiệu quả và xử lý các hành vi vi phạm". Tuy nhiên, lại không có hướng dẫn chi tiết nào về nhiệm vụ cụ thể và quyền hạn về pháp lý trong quản lý, xử lý vi phạm của chính quyền cấp xã. Các đơn vị khác chủ yếu phối hợp khi có đợt thanh tra liên ngành hoặc đột xuất, vai trò của chính quyền địa phương mới chỉ dừng lại ở phối hợp tổ chức tập huấn, tạo điều kiện để cán bộ thanh tra tiến hành nhiệm vụ thuận lợi.
Siết chặt việc quản lý bằng cách nào?
Năm 2012, tổng lượng thuốc BVTV mà nông dân Ninh Bình đổ xuống đồng ruộng là gần 114 tấn. Trong đó thuốc trừ sâu là 58,1 tấn, thuốc trừ bệnh là 33,1 tấn, các thuốc khác là 21,6 tấn. Toàn tỉnh vẫn còn 2,6% mẫu rau có dư lượng thuốc BVTV. Đặc biệt nhiều vùng rau quả, nông dân vẫn sử dụng thuốc BVTV không đúng theo khuyến cáo trên nhãn sản phẩm. Do vậy, việc siết chặt quản lý kinh doanh và sử dụng các hóa chất trong sản xuất nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Trao đổi về vấn đề này, bà Đinh Thị Thao, Chi cục phó Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Để sớm có lộ trình quản lý, kiểm soát chặt chẽ thị trường thuốc BVTV, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Tuy vậy, trước mắt vẫnlà làm tốt công tác quy hoạch rà soát, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh; nắm bắt, quản lý chặt chẽ mạng lưới cung ứng vật tư nông nghiệp; nâng cao năng lực hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, trang bị kiến thức đầy đủ về sử dụng hiệu quả thuốc BVTV cho bà con nông dân; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn, phát hiện, đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm quy định trong sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, thông báo rộng rãi những sản phẩm không đảm bảo chất lượng cho nhân dân phòng tránh... Còn theo bà Ninh Thị Sen, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Hoa Lư, hiện nay thông tin qua lại giữa nông dân và cán bộ kỹ thuật còn yếu. Do vậy, muốn nông dân hiểu và sử dụng đúng thuốc BVTV thì các HTX cần nâng cao năng lực hoạt động, đứng ra làm dịch vụ BVTV cho nông dân.
Ngày 25-2-2013, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 14/2013/TT-BNNPTNT, theo đó các cơ sở muốn hoạt động buôn bán thuốc BVTV phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV với các quy định nghiêm ngặt về nhân sự, địa điểm, trang thiết bị..., thay vì chỉ cần Chứng chỉ hành nghề như trước đây. Thời gian tới, Chi cục BVTV tỉnh sẽ tập trung tiếp nhận hồ sơ, thành lập đoàn kiểm tra đánh giá, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV cho các đơn vị, cá nhân kinh doanh thuốc BVTV, từ đó có cơ sở quản lý chặt chẽ hơn các đơn vị này.
Bài, ảnh: Hà Phương