Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ ngày 6/3/2020, tại một số địa phương trên cả nước phát hiện thêm nhiều trường hợp nhiễm bệnh Covid-19, kéo theo đó, ở một số thời điểm xảy ra hiện tượng người dân đổ xô mua tích trữ hàng hóa, chủ yếu là lương thực, thực phẩm như: thịt lợn, gạo, trứng, dầu ăn… Tuy nhiên, do có sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành nên nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng đủ, không có biến động về giá so với ngày thường. Báo cáo của các doanh nghiệp phân phối, siêu thị trên địa bàn tỉnh cho thấy, các doanh nghiệp đã dự báo được nhu cầu của người dân đối với các hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm sẽ tăng trong giai đoạn dịch bệnh nên đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung, tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3-4 lần so với trước để đáp ứng nhu cầu của thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung ứng cho người dân, ổn định giá bán các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.
Ông Bùi Văn Quý, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Để chủ động ngăn chặn hành vi tăng giá, đầu cơ, găm hàng thu lợi bất chính và bảo đảm quyền lợi của người dân, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các Đội tập trung lực lượng, tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu là lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, khẩu trang, chế phẩm sát khuẩn tay, găng tay, quần áo, kính bảo hộ… khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.
Đặc biệt, ngay sau khi có biến động thị trường tại thành phố Ninh Bình, ngày 8/3, các đội quản lý thị trường đã thực hiện giám sát hoạt động kinh doanh tại 3 chợ đầu mối trên địa bàn, các siêu thị như Big C, Vinmart, Vinmart + (10 điểm bán hàng) và các cửa hàng tiện lợi (82 cửa hàng), các cơ sở kinh doanh thuốc tân dược (đặc biệt các chuỗi cửa hàng của Vũ Duyên, Sơn Tùng, Hoàng Yến..); đồng thời vận động 71 cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh ký cam kết niêm yết công khai giá bán, không đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán, không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đối với mặt hàng thuốc tân dược và thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã siết chặt các hoạt động kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định. Đồng thời vận động 555 cơ sở kinh doanh thuốc tân dược, trang thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện ký cam kết việc thực hiện nghiêm các nội dung niêm yết công khai giá bán, giá nhập, không đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán trang thiết bị y tế như: khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế; không sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh.
Qua hoạt động kiểm tra, giám sát của lực lượng quản lý thị trường tỉnh cho thấy đã tác động tích cực đến thị trường, hiện nay tình hình thị trường ổn định, lượng cung - cầu hàng hóa đảm bảo, chỉ riêng mặt hàng khẩu trang vẫn còn khan hiếm do nguồn cung hạn chế; giá cả hàng tiêu dùng không tăng, tạo tâm lý ổn định cho người dân.
Ông Bùi Văn Quý, quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trên thị trường để có những biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi đầu cơ, găm hàng, không niêm yết giá, bán cao hơn giá niêm yết, định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Nguyễn Thơm