Trước thực trạng này, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã có kế hoạch cao điểm để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường tỉnh: Trong năm 2020, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra 606 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý của Bộ Công Thương, xử phạt 310 vụ, số tiền thu phạt 438.900.000 đồng, trị giá hàng hóa: 569.470.000 đồng.
Hoạt động kiểm tra, xử lý hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: đã kiểm tra, xử lý 37 vụ vi phạm, phạt tiền 396.000.000 đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy 569.945.000 đồng. Những mặt hàng vi phạm chủ yếu là quần áo may sẵn, kính mắt, đồng hồ, mỹ phẩm, sơn…
Chỉ tính riêng đợt cao điểm kiểm tra trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, toàn Cục đã kiểm tra 379 vụ; xử lý 282 vụ, với 293 hành vi vi phạm, tổng số tiền thu phạt 2.117.393.000 đồng (trong đó: phạt tiền 673.700.000 đồng, giá trị hàng hóa tịch thu để bán đấu giá 1.239.611.000 đồng, giá trị hàng hóa tịch thu để tiêu hủy 204.082.000 đồng).
Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, tình hình thị trường có nguy cơ bất ổn, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng kinh doanh mặt hàng công nghệ phẩm, thuốc tân dược trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa...
Kết quả, toàn Cục đã kiểm tra 79 cơ sở kinh doanh thuốc tân dược, vật tư trang thiết bị y tế, lương thực thực phẩm, xử lý 47 vụ vi phạm, phạt tiền 103.300.000 đồng, tịch thu 16.765 chiếc khẩu trang các loại, trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy 66.002.000 đồng.
Đồng thời vận động 728 cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh ký cam kết niêm yết công khai giá bán, không đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán, không kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ông Bùi Văn Điền, Cục phó Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Qua đánh giá của Cục Quản lý thị trường, hiện nay các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Điện tử, điện lạnh; rượu bia, thuốc lá, xì gà và các nhu yếu phẩm dịp cuối năm như: quần áo, giày dép; hoa quả, gia cầm, động vật và các sản phẩm chế biến từ gia cầm, động vật... đã được bày bán đa dạng, phong phú tại các đại lý, cửa hàng, siêu thị... trên địa bàn tỉnh.
Nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, các mặt hàng có nhu cầu cao trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật.
Kết hợp công tác kiểm tra với công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn.
Qua đó, góp phần bình ổn thị trường; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa hợp pháp, đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường, cung ứng kịp thời cho nhân dân đón Tết Nguyên đán vui tươi, an toàn và lành mạnh.
Để kiểm soát tốt thị trường trong những tháng cuối năm, các Đội Quản lý thị trường ở địa phương đã chủ động nắm vững diễn biến tình hình, tăng cường công tác nghiệp vụ, công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng trọng điểm, các địa bàn, tuyến trọng điểm.
Đại diện Đội quản lý thị trường thành phố Ninh Bình cho biết: Là khu vực trọng yếu trong đấu tranh phòng chống các vi phạm về thương mại trên địa bàn tỉnh nên ngay từ khi triển khai Đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đơn vị đã tổ chức kiểm tra đảm bảo theo đúng nội dung kế hoạch đã được phê duyệt; việc đánh giá, kết luận kiểm tra phản ánh thực tế khách quan, trung thực và đảm bảo công bằng.
Các hành vi vi phạm được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời công tác kiểm tra, xử lý vi phạm gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng được kiểm tra.
Cũng theo ông Bùi Văn Điền, trong đợt cao điểm này, Cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra các đối tượng kinh doanh các mặt hàng có nhu cầu cao dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung vào khu vực chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng, điểm tập kết hàng hóa; các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đường phố; các đối tượng có nguy cơ kinh doanh các mặt hàng hàng cấm như: pháo nổ, đèn trời, thuốc lá nhập lậu…, cụ thể từng nhóm đối tượng như: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hoa quả, rượu, thực phẩm; tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng điện, điện tử, điện lạnh; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm may mặc, quần áo may sẵn, chăn ga gối đệm, giầy dép; tổ chức, cá nhân kinh doanh mỹ phẩm.
Cùng với đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ động liên hệ với các hiệp hội, nhà sản xuất, nhà phân phối hàng hóa nắm bắt thông tin, tăng cường công tác điều tra, trinh sát nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về việc chấp hành các quy định về đăng ký kinh doanh và các giấy tờ có liên quan; điều kiện trong sản xuất, kinh doanh rượu, thực phẩm thuộc quản lý của Bộ Công Thương.
Kiểm tra hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; nhãn hàng hóa; việc dán tem đối với sản phẩm rượu. Kiểm tra việc chấp hành các quy định về sở hữu trí tuệ; kiểm tra việc chấp hành các quy định về tự công bố/đăng ký công bố sản phẩm. Lấy mẫu nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm để phân tích các chỉ tiêu về chất lượng theo quy định khi cần thiết; kiểm tra việc niêm yết giá hàng hóa.
Nguyễn Thơm