Theo đánh giá của Sở Công thương: Hiện nay, các doanh nghiệp bán buôn, doanh nghiệp phân phối lớn trong tỉnh đã triển khai theo đúng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết và cung cấp đầy đủ các hàng hóa dự trữ phục vụ tết cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ. Qua kiểm tra tình hình tổ chức thực hiện Chương trình bình ổn giá, các điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra, một số điểm bán chưa thực hiện đúng, đầy đủ theo cam kết đã được Sở Công Thương tổ chức kiểm tra, nhắc nhở và chấn chỉnh kịp thời.
Tại các điểm bán lẻ hàng hóa đã được tập kết và thực hiện dự trữ đủ lưu thông theo cam kết; hầu hết các điểm bán đều được treo biển hiệu thống nhất của Chương trình, có bảng niêm yết giá và thực hiện bán theo giá đã đăng ký theo Chương trình. Lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá, ổn định so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể hiện tại các doanh nghiệp và mạng lưới đại lý đang dự trữ lượng hàng hóa bình ổn giá trị giá 56 tỷ đồng.
Ngoài các doanh nghiệp được giao thực hiện Chương trình bình ổn giá, các doanh nghiệp bán lẻ: Big C, Vinmart và hệ thống Vinmart+ cũng thực hiện chương trình ổn định giá trong suốt dịp Tết Nguyên đán góp phần thực hiện Chương trình bình ổn giá hàng hóa Tết, Siêu thị Big C đang thực hiện Chương trình bán thịt lợn không lãi xuất với giá thấp hơn rất nhiều so với giá bán trên thị trường.
Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, các doanh nghiệp bán buôn cũng luôn quan tâm tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng Tết, các Hội chợ, phiên chợ Tết.
Bên cạnh kênh phân phối truyền thống (trực tiếp), hoạt động cung ứng hàng hóa Tết còn được thực hiện qua nhiều kênh, với những hình thức đa dạng như điện thoại, Internet, giao hàng tận nhà... nên đã đáp ứng khá tốt nhu cầu của người dân. Để đáp ứng nhu cầu hàng thực phẩm an toàn, cao cấp, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, trái cây đặc sản, trái cây nhập khẩu ngày càng phát triển trên địa bàn tỉnh đã góp phần cung ứng cho thị trường những mặt hàng chất lượng cao.
Nhằm thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết. Sở Công thương tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp phân phối tham gia Chương trình bình ổn giá thường xuyên giám sát các điểm bán hàng bình ổn giá, kịp thời chỉnh trang lại và bổ sung một số biển hiệu "Điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ Tết" tại các địa bàn. Bảng niêm yết giá phải được treo ở vị trí dễ nhìn, để người tiêu dùng thuận lợi tiếp cận.
Những điểm bị mất hoặc hư hỏng biển hiệu, bảng giá của Chương trình phải được bổ sung kịp thời; Thường xuyên kiểm tra giám sát các điểm bán đã đăng ký tham gia Chương trình, trong việc thực hiện cam kết đảm bảo nguồn cung hàng hóa, giá bán hàng và giờ mở cửa, thời gian bán hàng, đảm bảo thực hiện văn minh thương mại; Các kho hàng của doanh nghiệp phân phối phải luôn dự trữ sẵn đủ nguồn hàng nguồn hàng và chuẩn bị đủ phương tiện để kịp thời bổ sung cho các điểm bán bình ổn giá và đại lý.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố và cơ quan chức năng nắm sát diễn biến tình hình thị trường hàng hóa, chỉ đạo đôn đốc các phòng, đơn vị trực thuộc thường xuyên, chủ động theo dõi diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa.
Tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, các đại lý bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị…để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp điều tiết nhằm bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai các Kế hoạch phục vụ Tết.
Nguyễn Thơm