Đây là mức tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,91% của tháng 5-2008. Như vậy, so với tháng 12-2007, CPI đã tăng 18,04% và mức tăng bình quân 6 tháng đầu năm nay so với 6 tháng đầu năm 2007 là 20,34%.
Trong các nhóm hàng hóa tính CPI, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục dẫn đầu về tốc độ tăng giá với mức tăng 3,39% (trong đó, lương thực tăng 4,29% và thực phẩm tăng 3,05%).
Đứng trong số các nhóm hàng tăng giá mạnh vẫn tiếp tục có nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng...
Nhìn nhận mức tăng CPI của tháng 6 này, ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng. CPI tháng 6 đã giảm gần một nửa so với mức tăng của tháng 5 cho thấy những giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã phát huy tác dụng, đặc biệt là giải pháp thắt chặt tiền tệ, giảm nhập siêu.
Ngoài ra, cũng phải nhìn rõ thấy CPI tháng 5 vừa qua tăng cao một phần là do cơn sốt giá một số mặt hàng như gạo, xi măng…
Sang đến tháng 6, yếu tố đầu cơ không còn nữa nên các cơn sốt giá không xảy ra.
Ông Nguyễn Đình Cung cũng nhận định nếu tiếp tục thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát thì có thể tin rằng lạm phát sáu tháng cuối năm sẽ giảm, song cần quyết liệt thực hiện giải pháp cắt giảm đầu tư công.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung cũng lưu ý từ nay đến cuối năm, yếu tố tiềm ẩn đối với nền kinh tế là giá dầu thế giới.
Giá dầu thế giới tăng sẽ thách thức khả năng tiếp tục bù lỗ giá xăng, dầu trong nước từ ngân sách.
Nếu bắt buộc phải tăng giá xăng dầu, giá cả thị trường sẽ biến động và tất nhiên, mức lạm phát khó có thể giảm như kỳ vọng.
Theo NDĐT