Những năm qua, công tác thông tin tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác khuyến nông. Trên Báo Ninh Bình, Đài PT-TH tỉnh, các chuyên mục: Nông nghiệp, nông thôn Ninh Bình, Nông dân cần biết... được duy trì đều đặn hàng tháng nhằm phổ biến, hướng dẫn, chuyển giao các biện pháp kỹ thuật đến nông dân. Trung tâm còn phối hợp với báo Nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí Nông nghiệp-nông thôn, Đài Truyền hình Việt Nam, thực hiện các chuyên đề, chuyên trang về sản xuất nông nghiệp. Cùng với việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc tổ chức và tham gia các cuộc thi cũng là một trong các phương pháp khuyến nông có hiệu quả mà Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình thường xuyên tổ chức. Trung tâm đã phối hợp tổ chức thành công các Hội thi như: "Thanh niên nông thôn với KHKT nông nghiệp", "Bắp ngô vàng", "Nông dân sản xuất lúa giỏi", "Nuôi dê giỏi"; đồng thời tích cực tham gia Hội chợ triển lãm kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và Hội chợ triển lãm Nông nghiệp và thương mại khu vực Đồng bằng sông Hồng năm 2012. Tham dự và đạt kết quả cao trong các hội thi do Trung ương tổ chức như: đạt giải nhất "Nhà nông đua tài năm 2000"; đạt giải ba "Nông dân sản xuất lúa giỏi" năm 2004; đạt giải nhì "Cán bộ khuyến nông giỏi đồng bằng sông Hồng năm 2009"; đạt giải nhất "Cán bộ khuyến nông giỏi toàn quốc năm 2010"... Trong 20 năm hoạt động, Trung tâm đã tổ chức trên 2.500 lớp chuyển giao KHKT với trên 120 nghìn lượt người tham dự. Mỗi năm đã tổ chức hàng chục cuộc hội thảo đầu bờ, tổng kết, nghiệm thu các mô hình tại các huyện, thành phố, thị xã. Biên soạn, in ấn, cấp phát cho nông dân hàng trăm nghìn tờ rơi, trang tài liệu kỹ thuật... về quy trình sản xuất, kỹ thuật tiến bộ mới.
Ngay từ khi mới thành lập, Trung tâm chủ động hoặc phối hợp với các đơn vị xây dựng các mô hình khảo nghiệm, trình diễn tiến bộ kỹ thuật mới về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, các chế phẩm công nghệ sinh học và biện pháp thâm canh, trên cơ sở đó giới thiệu hướng dẫn chuyển giao giúp nông dân tiếp thu, ứng dụng vào sản xuất, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2003 từ 50 triệu đồng/ha lên 86 triệu đồng/ha đồng vào năm 2011. Một số mô hình, lĩnh vực tiêu biểu như: khảo nghiệm trình diễn, các giống lúa thuần KD18, Ải 32, Q5..., lúa lai F1 của Trung Quốc như Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, Bắc ưu 64, Bắc ưu 903, Dưu 527, CNR36, Thục hưng 6, TH 3-3, HYT... được người nông dân tiếp thu và mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, Trung tâm còn xây dựng các mô hình thâm canh lúa chất lượng và từng bước đưa vào sản xuất các giống lúa LT2, Bắc thơm 7, TBR1, BC15, TBR45, QR1, RVT..., góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên 1 đơn vị canh tác, tăng thu nhập cho nông dân. Trung tâm đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp đưa các giống Ngô lai như: Giống ngô LVN10, DK888, CP888, Bioseed, Monsanto; các giống lạc L14, L18, L23, L25 và giống đậu tương DT84, DT12, DT26... vào sản xuất nhằm đa dạng cây trồng. Mô hình áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất phù hợp từng vùng sinh thái, từng mùa vụ được triển khai và áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả như: Chuyển đổi cơ cấu trà lúa, gieo mạ Xuân có che phủ nilon; trồng lạc có che phủ nilon; lúa tái sinh; gieo thẳng lúa; rau an toàn; đưa máy móc vào đồng ruộng và tiến hành khảo nghiệm, trình diễn những loại phân bón mới như Việt Nhật, Năm Sao, NPK Ninh Bình, NPK Lâm Thao, NPK Bình Điền, DAP Đình Vũ trên nhiều đối tượng cây trồng khác nhau.
Để phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng chương trình cải tạo đàn dê theo hướng thịt bằng phương pháp lai dê cỏ địa phương với dê Bách Thảo. 20 năm qua, Trung tâm đã hỗ trợ gần 500 con dê giống lai Bách Thảo, dê giống lai Boer, cho các hộ chăn nuôi dê. Từ năm 1995, Trung tâm thực hiện chương trình cải tạo đàn bò địa phương bằng 2 phương pháp là thụ tinh nhân tạo và phối giống trực tiếp bằng bò đực giống 3/4 máu zebu. Đến năm 2012, tổng đàn bò của tỉnh đạt 30,8 nghìn con, tăng 1,61 lần so với năm 1991, hiện tại tỷ lệ bò lai trên toàn tỉnh chiếm tới 80%. Mô hình chăn nuôi gà An toàn sinh học đã hỗ trợ cho hàng nghìn hộ nông dân trong tỉnh hàng chục nghìn con gà giống như gà Lương Phượng, gà Ri lai gà Mía, gà Tam Hoàng có chất lượng thịt thơm ngon và thích ứng với điều kiện chăn nuôi của tỉnh, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao (tăng 15% so với nuôi theo phương thức truyền thống). Gần đây, Trung tâm còn triển khai mô hình chăn nuôi lợn nạc theo hướng VietGap: sử dụng thức ăn hỗn hợp, chuồng trại xây dựng theo tiêu chuẩn, làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Kết quả cho thấy, lợn phát triển tốt, tăng khả năng đề kháng, ít nhiễm bệnh, tăng trọng nhanh, hiệu quả kinh tế tăng khoảng 10% so với nuôi theo phương thức chăn nuôi truyền thống, tạo môi trường chăn nuôi an toàn, cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt cho người tiêu dùng.
Từ năm 2009, công tác Khuyến ngư được Sở Nông nghiệp & PTNT giao cho Trung tâm Khuyến nông thực hiện. Một số mô hình thủy sản: nuôi cá rô phi đơn tính bán thâm canh, cá - lúa, nuôi cua biển... được triển khai thực hiện hiệu quả. Ngoài việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, Trung tâm còn chuyển giao công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng thiết bị Biogas góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm dịch bệnh, tạo khí đốt dùng trong sinh hoạt, tăng hiệu quả chăn nuôi, nâng cao đời sống cho các hộ chăn nuôi. Đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng trên 5.000 công trình khí sinh học, tập huấn cho hàng chục nghìn người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh về kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng, sử dụng khí sinh học và phụ phẩm khí sinh học.
Trong thời gian tới, đặc biệt là trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiệm vụ của công tác Khuyến nông càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Trước hết, cần nâng cao nhận thức về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; xây dựng nông thôn mới. Xây dựng, chuyển giao và ứng dụng nhiều mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư có hiệu quả, nhất là áp dụng các tiến bộ về giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao vào sản xuất. áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Ninh Bình như: Lúa thơm Hương Bình, dê núi Ninh Bình, ngao Kim Sơn. Từng bước xã hội hóa hoạt động Khuyến nông. Tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh việc dạy nghề cho lao động nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.
Có thể khẳng định, những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế tỉnh nhà trong những năm qua có sự đóng góp quan trọng của công tác Khuyến nông. Ghi nhận những đóng góp đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Nông nghiệp & PTNT, UBND tỉnh tặng nhiều phần thưởng cao quý, động viên cán bộ, nhân dân Trung tâm Khuyến nông tỉnh nỗ lực, phấn đấu hơn nữa vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Phạm Văn Trung
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh