Liên khu này gồm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (thuộc tỉnh Thanh Hóa), thành lập năm 1997, nằm ở phía Bắc; Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông (thuộc tỉnh Hòa Bình), thành lập năm 2004 và Vườn Quốc gia Cúc Phương (thuộc 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình), thành lập năm 1962, nằm ở phía Nam khu vực. Đây là vùng rừng núi đá rộng lớn, có tính đa dạng sinh học rất cao, với giá trị to lớn về mặt cảnh quan cũng như bảo tồn đa dạng sinh học, phục vụ tích cực cho công tác nghiên cứu khoa học của cả nước.
Với vai trò tiên phong, đội ngũ nghiên cứu khoa học Vườn Quốc gia Cúc Phương đã tích cực triển khai và hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu cơ bản về tính đa dạng của hệ động, thực vật trong khu vực; phát hiện và bổ sung hàng nghìn động, thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm đặc hữu. Thống kê đến năm 2008 đã ghi nhận Vườn Quốc gia Cúc Phương có 2.230 loài thực vật, 127 loài rêu, 9 loài thông đất, 1 loài có tháp bút, 1 loài quyết lá thông, 129 loài dương xỉ, 7 loài hạt trần, 1.960 loài hạt kín.
Về động vật đã ghi nhận có 660 loài động vật có xương sống (135 loài thú, 337 loài chim, 76 loài bò sát, 46 loài lưỡng cư, 66 loài cá nước ngọt); động vật không xương sống có 1.899 loài (1.718 loài chân khớp, 52 loài giun đốt, 129 loài thân mềm). Trong số các loài động, thực vật trên có nhiều loài thuộc dạng quý hiếm: Lát hoa, chò chỉ, lan kim tuyến, voọc mông trắng, voọc xám, báo gấm, báo hoa mai, gấu ngựa, đại bàng đất, cá niết hang, cá chình, cá chiên…
Tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, do mới được thành lập, điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học còn thiếu… nên việc điều tra đa dạng sinh học ở đây còn hạn chế. Theo kết quả của Viện Điều tra, quy hoạch rừng năm 1997, đã biết nơi đây có 552 loài thực vật; 342 loài động vật có xương sống (84 loài thú, 162 loài chim, 28 loài bò sát, 13 loài lưỡng cư, 55 loài cá); động vật không xương sống mới chỉ nghiên cứu về 2 nhóm là nhuyễn thể cạn có 96 loài và bướm ngày có 158 loài. Pù Luông cũng có những loài động thực vật quý hiếm như: Lát hài, lim, lát hoa, sưa Bắc bộ, voọc mông trắng, vá chiên, cá năng, bướm phượng Hêlen. Pù Luông còn có một số loài thực vật đặc trưng của đai khí hậu cao: Thông Pà cò, thông nàng…
Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông cũng chưa được nghiên cứu nhiều, nhưng theo Viện Điều tra Quy hoạch rừng cho biết, đã ghi nhận 995 loài thực vật; 445 loài động vật có xương sống (93 loài thú, 253 loài chim, 48 loài bò sát, 34 loài lưỡng cư và 27 loài cá); nơi đây có các loài động, thực vật quý hiếm là: Mun, sưa Bắc bộ, chò chỉ, khỉ mặt đỏ, cu ly nhỏ, cầy vằn, gấu ngựa, ếch vạch, cá niết hang...
Để bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực cần phải giảm thiểu, ngăn ngừa sự suy thoái và mất mát rừng. Ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã. Phối hợp tốt giữa lực lượng kiểm lâm với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc quản lý, giáo dục và xử lý các đối tượng vi phạm luật trong khu vực; tăng cường tuần tra bảo vệ và giám sát rừng, ngăn chặn nạn săn bắt động vật hoang dã trong khu vực. Tăng cường công tác giáo dục ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên cho cộng đồng dân cư vùng đệm.
Tích cực tìm kiếm các chương trình dự án giúp đồng bào trong vùng đệm, thực hiện xóa đói giảm nghèo để họ giảm thiểu sự lệ thuộc vào rừng. Triển khai các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực (chương trình, đề tài, dự án). ở hoạt động này, thì Vườn Quốc gia Cúc Phương đang đi đầu bằng việc xây dựng các trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm; nghiên cứu bảo tồn cầy vằn; nghiên cứu sinh thái các loài rùa; trại thuần dưỡng các loài động vật; nghiên cứu bảo tồn các loài thực vật; bảo tồn các giá trị lịch sử khảo cổ…
Đặc biệt, thực hiện thỏa thuận giữa lãnh đạo 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa từ năm 2005 đến nay, nhóm lập kế hoạch cảnh quan Ngọc Sơn - Pù Luông - Cúc Phương với sự tham gia của các cấp, các ngành của 3 tỉnh đã hình thành và đi vào hoạt động. Nhiệm vụ của nhóm là điều hòa các mối quan tâm và mong muốn giữa các bên liên quan, thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan, chính quyền trong vùng với nhau; chia sẻ, trao đổi thông tin với nhau phục vụ cho sự phát triển bền vững chung của cả khu vực. Đã qua 4 năm hoạt động, mặc dù còn tồn tại những bất cập… nhưng theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT Ninh Bình, nhóm này đã thể hiện khá tốt vai trò nòng cốt trong việc làm cầu nối, truyền tải thông tin; tạo diễn đàn chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan của 3 tỉnh; giúp cho các tỉnh hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nhất là quản lý bảo vệ rừng, nguồn nước, môi trường, động, thực vật rừng.
Còn rất nhiều công việc phải làm trong thời gian tới: Xác định mô hình hoạt động, quy chế hoạt động, phương thức thu thập trao đổi thông tin nhanh và kịp thời, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường ở một số nơi còn tồn tại… và thành lập Ban xúc tiến xây dựng khu dự trữ sinh quyển, trình UNESCO công nhận. Đó sẽ là một thuận lợi lớn cho công tác bảo tồn sự đa dạng sinh học trong khu vực, phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu khoa học cũng như giữ gìn cảnh quan môi trường thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc trong khu vực nhằm phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Đinh Chúc