Năm 1992 khi tái lập tỉnh, giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh cực kỳ khó khăn: nhỏ, hẹp, đường đất, nơi nào khá thì rải được đá cấp phối, đến năm 2000 thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh chính thức phát động phong trào làm đường GTNT kết hợp thủy lợi nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, với phương thức trả chậm và theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tỉnh cũng đã có những giải pháp như: Tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân thấy được lợi ích khi hợp tác xây dựng công trình, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đầu tư xây dựng; trong chỉ đạo thực hiện có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh.
Sau 10 năm thực hiện, đến năm 2010 đã có 95% đường huyện và đường xã trên địa bàn tỉnh được cứng hóa. Năm 2011, tỉnh đã làm mới và cải tạo được trên 160 km, trong đó làm mới 7,5 km, nâng cấp 153,78 km; xây mới 312 cống với chiều dài trên 2.500 m với tổng kinh phí đã thực hiện là 371,4 tỷ đồng (trong đó ngân sách địa phương là hơn 35 tỷ đồng, Trung ương hỗ trợ gần 300 tỷ đồng, nhân dân đóng góp và nguồn khác là trên 36 tỷ đồng, huy động được hơn 61 nghìn công lao động…). Ngoài ra, từ năm 2000 đến nay, tỉnh còn thực hiện dự án giao thông do Ngân hàng Thế giới tài trợ như: dự án GTNT WB2 được hoàn thiện với 82 tuyến đường, dài 256 km, xây 10 cầu, dài 197,7 km với tổng mức đầu tư 72,8 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh cũng đang triển khai thực hiện dự án GTNT WB3 đối với 15 tuyến đường, dài 36,8 km…
Các tuyến đường mới được nâng cấp bước đầu đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân, tạo điều kiện cho sự phát triển KT- XH, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Thời gian tới, chương trình GTNT tiếp tục được quan tâm, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, Sở Giao thông - Vận tải đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo kế hoạch, từ năm 2010 đến 2020 tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống đường GTNT, phấn đấu đến năm 2020 có 84 xã (bằng 70% số xã) đạt tiêu chí về giao thông, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 hoàn thành đạt chuẩn 35% chiều dài đường GTNT với 3.114,8 km của 42 xã, trong đó có 25 xã được lựa chọn xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2015 - 2020 tiếp tục cải tạo, cứng hóa, hoàn thiện thêm 2.336 km đường GTNT của 36 xã còn lại theo tiêu chí Quốc gia.
Tuy vậy, thực tế triển khai phong trào xây dựng đường GTNT cũng gặp phải những vấn đề khó khăn cần tháo gỡ như: hầu hết các tuyến đường GTNT hiện nay chưa được bảo trì, công tác quản lý, nhất là quản lý hành lang an toàn giao thông còn buông lỏng, năng lực cán bộ phụ trách giao thông xã còn hạn chế, kinh phí cho công tác quản lý, bảo trì của các xã rất hạn hẹp hoặc chưa được bố trí, nên nhanh xuống cấp, hư hỏng trong quá trình sử dụng.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ tỉnh cần phải tăng cường công tác đào tạo nghiệp vụ về quản lý, nghiệp vụ chuyên ngành cho lực lượng cán bộ chuyên môn và cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp xã; tổ chức quản lý tốt các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội đã được đầu tư xây dựng, thực hiện công tác bảo trì, chống xuống cấp các công trình đã được đầu tư xây dựng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, trường học, chợ…
Quan tâm huy động vốn, trong đó có các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân (bằng tiền, hiện vật, ngày công lao động,…) và các nguồn tài chính hợp pháp khác để xây dựng, bảo dưỡng đường giao thông. Đồng thời có cơ chế, chính sách về đầu tư cho GTNT, nhất là ưu tiên cho xây dựng các tuyến đường trục xã, liên xã, trục thôn…
Bài, ảnh: Đức Lam