Đến điểm bưu điện văn hóa xã Ninh Mỹ (Hoa Lư), chúng tôi thấy khá nhiều khách đến để thực hiện các giao dịch dịch vụ. Bác Phạm Ngọc Vấn, thôn Phong Hòa, xã Ninh Mỹ cho biết: Điểm bưu điện văn hóa xã nằm ngay trung tâm xã, rất thuận tiện cho người dân đến đọc sách, báo cũng như thực hiện giao dịch các dịch vụ xã hội, Tôi thường xuyên đến điểm bưu điện văn hóa xã để lấy lương hưu, nộp tiền điện và mua các mặt hàng tiêu dùng, rất thuận tiện cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Hải, nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã Ninh Mỹ cho biết: Từ khi thực hiện mô hình bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ, hàng ngày, số lượng người dân đến sử dụng các dịch vụ ở đây tăng nhiều so với những năm trước. Với mục tiêu kinh doanh lấy chữ tín hàng đầu, điểm bưu điện văn hóa xã luôn được nhân dân trong xã tin tưởng đến giao dịch.
Không chỉ cung ứng dịch vụ bưu chính, chuyển phát truyền thống còn có rất nhiều mặt hàng tiêu dùng đã được bày bán tại đây. Hiện tại điểm bưu điện văn hóa xã Ninh Mỹ thực hiện nhiều dịch vụ, như: tem thư, bưu phẩm, bưu kiện; dịch vụ tiết kiệm bưu điện; bán bảo hiểm ô tô, xe máy, bảo hiểm học sinh; bán hàng hóa tiêu dùng; chuyển phát nhanh; dịch vụ chuyển tiền; chi trả lương hưu, thu BHYT và BHXH tự nguyện; đặt mua sách, báo, tạp chí, lịch, văn phòng phẩm; đọc sách báo miễn phí…
Trung bình mỗi ngày có khoảng trên dưới 100 lượt người tới giao dịch. Tổng số tiền giao dịch tại điểm bưu điện văn hóa xã Ninh Mỹ khoảng 7 tỷ đồng/tháng. Nhờ đó, thu nhập của nhân viên tại điểm bưu điện xã Ninh Mỹ được nâng lên rõ rệt, đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng.
Đối với điểm bưu điện văn hóa xã Khánh Hồng (Yên Khánh), những năm trước, hoạt động ở đây khá đìu hiu. Chị Phạm Thị Luyến, nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã Khánh Hồng cho biết: Triển khai loại hình bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ, chúng tôi không còn thụ động ngồi chờ khách đến mà còn phải trực tiếp đi đến tận nhà của người dân nhận bưu phẩm, nhận tiền chuyển đi, sẵn sàng phục vụ nhân dân tất cả các ngày trong tuần, ngay cả ngày lễ, Tết.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại điểm bưu điện văn hóa xã được cấp trên đầu tư sửa chữa khang trang, sạch đẹp, đầu tư thiết bị thiết yếu đáp ứng kịp thời nhu cầu dịch vụ nhanh, thuận tiện của nhân dân khi đến giao dịch. Hiện, điểm bưu điện văn hóa xã Khánh Hồng đang cung cấp 18 dịch vụ chính, các giao dịch rất tấp nập, sôi động.
Thực hiện Chỉ thị số 03, ngày 8/3/2014 của Tổng giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về việc "Nâng cao hiệu quả hoạt động của bưu điện văn hóa xã", đến nay, các điểm bưu điện văn hóa xã không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ bưu chính truyền thống như dịch vụ đọc sách báo, gọi điện thoại tại bưu điện, mà còn có thêm các dịch vụ khác như phân phối hàng tiêu dùng, cung cấp sản phẩm văn phòng phẩm, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước triển khai chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua bưu điện, thu tiền điện, nước, đặt mua và bán lẻ các loại báo chí, tài chính bưu chính..., tạo thuận lợi cho người dân, người hưởng trợ cấp xã hội, tạo thêm việc làm cho nhân viên.
Đồng chí Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: Từ năm 2013, hệ thống các điểm bưu điện văn hóa xã đã được Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam quan tâm đầu tư nâng cấp về cả cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực, giúp đội ngũ nhân viên bưu điện nâng cao thu nhập.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tiếp tục có phương án tuyển chọn ký hợp đồng làm việc tại Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam những nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã nếu tích cực, quyết tâm làm việc hiệu quả tại các điểm bưu điện văn hóa xã.
Với mục tiêu đưa điểm bưu điện văn hóa xã thành cấp quản lý thứ 4 của ngành bưu điện tỉnh (cấp thứ nhất là bưu điện tỉnh, cấp thứ 2 là bưu điện huyện, cấp thứ 3 là các bưu cục cấp và cấp thứ 4 là các điểm bưu điện văn hóa xã), việc đa dạng các dịch vụ tại các điểm văn hóa xã rất quan trọng.
Hiện nay, Bưu điện tỉnh đã đưa các dịch vụ về cung cấp tại các điểm văn hóa xã, như các dịch vụ: Chi trả lương hưu, tiết kiệm bưu điện, bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính, cung ứng dịch vụ hành chính công... Đồng thời, chú trọng việc đào tạo nhân lực cho các điểm bưu điện xã một cách bài bản về kiến thức, kỹ năng kinh doanh, giao tiếp, sử dụng máy tính nhằm đẩy mạnh hoạt động các điểm bưu điện văn hóa xã trong giai đoạn mới.
Năm 2014, toàn tỉnh có 94/115 điểm bưu điện văn hóa xã, đến nay tăng lên 114/115 điểm, hoạt động đa dịch vụ; có 41 điểm bưu điện văn hóa xã có chức danh trưởng bưu điện - văn hóa xã. Hầu hết các điểm bưu điện văn hóa xã sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh đều phát huy hiệu quả, doanh thu bình quân hàng tháng (năm 2014) đạt 4,4 triệu đồng, đến tháng 8/2019, đạt 37,2 triệu đồng; thu nhập của nhân viên các điểm đều tăng từ 1,5 triệu đồng/người/tháng năm 2014, đến nay tăng lên 6,4 triệu đồng/người/tháng.
Bài, ảnh: Tiến Minh