Không phải là kỹ sư, cũng chưa từng học qua các lớp đào tạo về cơ khí nhưng mới đây anh Nguyễn Đức Bạn - công nhân của Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng, chất lượng cao CFG Ninh Bình đã có sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp tới 200 triệu đồng/năm.
Trước đây, mỗi ngày anh cùng các đồng nghiệp ở bộ phận cắt và đóng gói sản phẩm thực hiện đóng dấu lên từng tấm giấy lót kính trước khi chúng được xuất xưởng. Công việc này vốn rất đơn giản nhưng lặp đi lặp lại và tốn nhiều công lao động. Trung bình cứ 8 tiếng, một người lao động phải đóng 8.000 lượt dấu bằng phương pháp thủ công. Nhà máy cần tới 3 công nhân để làm công việc này với mức lương hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Vì làm thủ công nên con dấu không đều mực, không ngay ngắn là chuyện xảy ra thường xuyên, phần nào ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như tính chuyên nghiệp của mỗi sản phẩm.
Quãng thời gian gần 4 năm gắn bó với nhà xưởng khiến anh Bạn nảy ra những ý tưởng để làm mới công việc này. Đó chính là sáng kiến "Cơ cấu đóng dấu tự động giấy lót kiện kính". Với sáng kiến này anh chỉ cần dùng đến chiếc bánh lăn gắn con dấu của Công ty, đặt ở ngay bộ phận quay giấy, vận hành liên tục kéo dài mà không để xảy ra một lỗi nào. Khi giấy được cuốn vào gặp cảm biến thì sẽ được dừng lại và hệ thống đóng dấu sẽ di chuyển con dấu xuống theo vị trí đã định trước. Sau khi đóng xong, trục con dấu sẽ nâng lên và động cơ sẽ kéo giấy ra ngoài. Thiết bị này đã thay thế hoàn toàn số lao động làm việc 3 ca mỗi ngày vì thế tiết kiệm được chi phí cho nhà máy, đồng thời đảm bảo chất lượng con dấu.
Sáng kiến này thoạt nghe có vẻ đơn giản nhưng đó là kết quả của những buổi làm việc tăng ca đến tối muộn, mất nhiều đêm trăn trở, tập hợp ý kiến đóng góp của anh em trong xưởng để làm sao tận dụng được những vật liệu sẵn có, không phải mất thêm kinh phí…
Chị Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng, chất lượng cao CFG Ninh Bình cho biết: Sáng kiến của anh Bạn và một số công nhân khác đang góp phần khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, làm chủ khoa học kỹ thuật của người lao động trong doanh nghiệp. Chúng tôi cũng tham mưu, đề xuất với Ban giám đốc kịp thời khen thưởng, động viên họ.
Tại nhiều doanh nghiệp, việc phát động, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo và nay là Chương trình 75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển (do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động) cũng đang giúp đội ngũ công nhân lao động phát huy khả năng, sức sáng tạo…
Theo ghi nhận của Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh, các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo gửi về Chương trình được hình thành từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh, công tác, giúp nâng cao năng suất lao động, đổi mới công nghệ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, cải tiến quy trình làm việc, nâng cao hiệu quả dây chuyền sản xuất...
Ngay khi mới được triển khai trong các khu công nghiệp, Chương trình 75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển đã có 21 sáng kiến, trong đó có 17 sáng kiến trong lao động sản xuất, 4 sáng kiến trong hoạt động công đoàn của cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân lao động tham gia. Các sáng kiến đã mang lại hiệu quả, làm lợi 35 tỷ đồng cho doanh nghiệp, trong đó có 1 sáng kiến có giá trị làm lợi 24 tỷ đồng.
Các sáng kiến bước đầu đã được lãnh đạo doanh nghiệp cho triển khai, áp dụng đại trà vào thực tiễn, góp phần quan trọng tăng thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động cho người lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn. Đã xuất hiện nhiều điểm sáng trong Chương trình này như: Công đoàn Công ty TNHH MCNEX VINA, Công đoàn Công ty TNHH công nghiệp Hạ Long CFG, Công đoàn Công ty cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam, Công đoàn Công ty TNHH May Đài Loan,...
Để giúp khơi nguồn sáng tạo trong công nhân lao động, Công đoàn các khu công nghiệp đã hướng dẫn các công đoàn cơ sở đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp thành lập Hội đồng sáng kiến cấp cơ sở để đánh giá, công nhận các sáng kiến; trực tiếp gặp gỡ, trao đổi hướng dẫn, tư vấn các tác giả có sáng kiến để tạo điều kiện thuận lợi nhất tham gia Chương trình.
Ngoài ra, để thúc đẩy phong trào, các cấp Công đoàn còn tham gia với lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm đến công tác khen thưởng nhằm động viên công nhân lao động đã có sáng kiến, khuyến khích những người lao động khác tích cực phát huy sức sáng tạo của mình...
Kết quả của chương trình cho thấy, sức sáng tạo của người lao động được khơi dậy, được trân trọng và được ghi nhận, trở thành nội lực của mỗi cơ quan, đơn vị trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh có nhiều khó khăn như hiện nay. Đồng thời cũng tạo nền tảng, thế mạnh để các Công đoàn cơ sở thương lượng về chế độ chính sách, phúc lợi cho người lao động, tạo sự ổn định trong doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Đào Duy