Đó là cách nghĩ khiến chàng trai Lê Văn Tiên, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn bỏ công việc của một kỹ sư xây dựng rẽ ngang về quê làm nông nghiệp. Hiện nay, anh Tiên đang có trang trại trồng rau, củ, quả theo hình thức công nghệ cao từ nhà lưới cho đến hệ thống tưới tự động.
Bỏ ngang công việc ổn định với mức lương 20 triệu/tháng để trở về quê dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp là quyết định được đưa ra sau những tháng ngày trăn trở của chàng trai Lê Văn Tiên. "Mình xuất thân là con nhà nông, mỗi lần về quê lại thấy bố mẹ chân lấm, tay bùn, thường xuyên phải tiếp xúc sử dụng các loại thuốc BVTV, nhưng sâu bệnh thì vẫn cứ hoành hành.
Thời tiết, mưa nắng ngày càng thất thường, nên dù làm lụng vất vả nhưng người nông dân thu lại chẳng được bao nhiêu. Rồi các nhà máy, xí nghiệp xuất hiện, nhiều người cũng không thiết tha gì với sản xuất nông nghiệp, người trẻ bỏ đi làm công nhân, ở nhà chỉ còn người già sản xuất cầm cự. Nhiều cánh đồng xưa kia màu mỡ xanh ngút ngát giờ bỏ hoang, nhìn mà thấy tiếc.
Thêm lúc đó, mình cũng tìm hiểu nhu cầu, xu hướng của người tiêu dùng. Ai cũng "khát" thực phẩm sạch nhưng không biết tin tưởng ở đâu. Thế là mình quyết định bỏ việc về nhà làm trang trại. Mới đầu gia đình phản đối ghê lắm nhưng rồi thấy mình quyết tâm quá lại quay ra ủng hộ và trợ giúp rất nhiều" - Tiên chia sẻ.
Với phương châm làm nông nghiệp công nghệ cao, Tiên dồn hết vốn liếng dành dụm được cộng thêm tiền vay từ người thân, bạn bè tổng cộng hơn 400 triệu đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng trang trại. Trên diện tích hơn 1 mẫu, anh xây dựng 1 khu nhà lưới rộng 3.000 m2, lắp đặt đầy đủ các thiết bị bao gồm hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống tưới nước tự động (1 loại tưới nhỏ giọt, 1 loại tưới phun sương), máy bơm nước, giàn leo...
Ngoài các cây trồng thông thường như rau, củ quả truyền thống, một số giống mới nhập từ Nhật Bản cũng được đưa vào sản xuất thử nghiệm tại đây. Các cây trồng bản địa, sức chống chịu tốt, dễ tính như rau muống, rau rút ta…thì được trồng ở ngoài trời.
Tiên cho biết: Xây dựng hệ thống nhà lưới không những giúp ngăn ngừa các loại côn trùng gây hại mà còn giảm thiểu tối đa tác động của khí hậu. Nhiều năm nay, khí hậu đang ngày càng biến đổi khôn lường, mình cứ trông vào thời tiết nhất định sẽ thất bại. Trồng trong nhà kính ít sâu hại nên cũng giảm luôn được chi phí công chăm sóc và phân bón.
Tuy nhiên, sản xuất trong nhà lưới cũng vướng một số vấn đề kỹ thuật, nhất là vào thời điểm mùa hè khi nhiệt độ trong nhà lưới cao hơn ngoài trời tới 3-4 độ C, độ ẩm cũng vậy.
Ngoài ra, một khó khăn khác mà mình đang gặp phải là do đất này trước đây chuyên cấy lúa nay lại chuyển sang trồng rau nên không phù hợp lắm, việc tiêu thoát nước cũng rất vất vả. Nhưng mình đang tìm cách khắc phục dần dần.
Khi được Lê Văn Tiên dẫn đi thăm một vòng quanh khu sản xuất và tận mắt chứng kiến những liếp rau trồng trong nhà lưới sạch tưng, phát triển đều, lá xanh mướt chúng tôi không khỏi thích thú. Được biết, mặc dù mới chính thức đi vào sản xuất hơn 7 tháng nhưng hiệu quả kinh tế đem lại từ mô hình đã khá rõ nét.
Nếu như trước đây, trồng 1 sào rau, mỗi năm gia đình Tiên chỉ thu được khoảng 10 triệu đồng, thậm chí năm nào thời tiết bất thuận thì mất trắng nhưng với việc trồng rau, củ, quả trong nhà lưới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất ít phụ thuộc vào thời tiết, năng suất cao hơn và thu nhập của gia đình cũng gấp 2-3 lần.
Đặc biệt do chất lượng rau củ được đảm bảo nên đầu ra cho các sản phẩm cũng khá dễ dàng, chủ yếu bằng hình thức cung ứng trực tiếp đến các cơ quan, công sở, một phần thì đưa ra thị trường thông qua Công ty Minh Tài Green.
"Với đà phát triển này, mình đang định tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm, hướng tới việc cung cấp trọn gói nhu cầu rau quả thực phẩm cho một gia đình từ gạo, rau đến trứng, thịt", Lê Văn Tiên cho biết.
Hà Phương