Nhiều mô hình, sản phẩm độc đáo
Em Phạm Xuân Huân, học sinh lớp 11B3, Trường THPT Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình là chủ nhân của mô hình "Máy diệt khuẩn và khử độc đa năng", đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Ninh Bình lần thứ VII (2015-2016). Với em, niềm vui được giải thưởng chưa quan trọng bằng việc sản phẩm mà mình dày công sáng tạo đã được ghi nhận. Phạm Xuân Huân cho biết: Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng là sân chơi bổ ích, mà ở đó, chúng em có cơ hội phát huy tính tư duy, sáng tạo. Chúng em còn được rèn luyện, trau dồi về kỹ năng sống. Bởi thế, khi phát động cuộc thi, em đã rất hào hứng tham gia.
Khi được hỏi nguyên nhân nghiên cứu, thiết kế và chế tạo ra sản phẩm này, Huân chia sẻ: Cuộc sống hiện nay nảy sinh nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường sống, vấn đề về ATTP (thực phẩm bẩn, dư lượng thuốc BVTV, dùng chất cấm trong chăn nuôi, chất cấm trong bảo quản, chế biến thực phẩm…), từ đó đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và đe dọa tới sự phát triển của giống nòi. Sản phẩm của em kết hợp 3 cơ chế diệt khuẩn và khử độc, gồm tia tử ngoại (UV), nano bạc và khí ozone; đặc biệt có thể sử dụng kết hợp các phương pháp trên hoặc sử dụng riêng từng phương pháp để diệt khuẩn khử độc cho từng đối tượng.
Điều đáng lưu ý là máy diệt khuẩn và khử độc đa năng của Phạm Xuân Huân có giá thành không cao, khoảng 2 triệu đồng/máy, sẽ được các bà nội trợ yên tâm sử dụng, bởi máy kết hợp được giữa diệt khuẩn và khử độc trong cùng 1 thiết bị, đồng thời giúp khử mùi, lọc khuẩn trong không khí, giúp cải thiện môi trường xung quanh và đặc biệt an toàn khi sử dụng. Máy được áp dụng khử khuẩn, khử độc cho các loại thực phẩm như: rau củ quả, các loại nước ép hoa quả, đồ uống, thịt, cá, trứng... Đồng thời khử khuẩn và khử độc cho các loại đồ dùng: thiết bị, đồ dùng trong y tế, đồ dùng sinh hoạt (bát, đĩa, chén, đũa…), đồ chơi trẻ em, dụng cụ chăm sóc trẻ…
Với sản phẩm "Máy phun thuốc trừ sâu đa năng" của em Vũ Tuấn Thành, học sinh lớp 11M, Trường THPT Hoa Lư A thì đây là một tin vui với những người làm nông nghiệp. Sản phẩm cũng được Ban tổ chức cuộc thi quyết định trao giải nhất bởi tính mới, sáng tạo cũng như khả năng áp dụng rộng rãi và đặc biệt là hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội mang lại. Cậu học trò nhỏ bé trường huyện vui vẻ cho biết: Em sinh ra và lớn lên ở nông thôn, gắn liền với công việc nhà nông như cấy lúa, trồng rau. Vào từng thời điểm phát triển của cây trồng thường xuất hiện sâu, bọ hại. Việc sử dụng hóa chất diệt sâu, diệt cỏ thường phải diễn ra thường xuyên, liên tục. Khi phun hóa chất, người sử dụng phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất có thể bị dị ứng, nhiễm hóa chất độc hại từ thuốc. Do đó, em nảy sinh ý tưởng, tư duy và chế tạo mô hình "Rô bốt - Máy phun thuốc trừ sâu đa năng".
Theo Vũ Tuấn Thành, mô hình được tạo ra dựa trên những kiến thức đã được học, nâng cao trình độ hiểu biết về kỹ thuật ứng dụng chế tạo thiết bị, từ đó có thể làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo ra những chiếc máy đáp ứng nhu cầu sử dụng thực tế. Mô hình có thể áp dụng được ở nhiều loại địa hình sản xuất cây nông, lâm nghiệp, ứng dụng trong nhiều vùng miền. Đồng thời có thể làm giáo cụ trực quan cho các môn học kỹ thuật, giúp học sinh hiểu sâu hơn về nguyên lý hoạt động và quy trình vận hành của máy móc. Đặc biệt, với chi phí thấp, mô hình có thể được chế tạo thành sản phẩm sản xuất đại trà phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, giúp người lao động tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại, giảm nhân công, tăng chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Khơi dậy sức sáng tạo cho thanh, thiếu niên và nhi đồng
Đồng chí Đỗ Văn Dung, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh cho biết: Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Ninh Bình đã trải qua 7 kỳ tổ chức. Sau mỗi kỳ tổ chức, công tác triển khai thực hiện đều được Ban tổ chức tiến hành đánh giá, nhận xét, rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện kỳ sau tốt hơn kỳ trước. Tại cuộc thi lần thứ VII (2015-2016), Ban tổ chức cuộc thi đã đôn đốc, cập nhật thông tin và có kế hoạch hỗ trợ các đơn vị trong quá trình triển khai tại các huyện, thành phố. Thực hiện đồng bộ với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn trong việc ban hành công văn chỉ đạo, giám sát quá trình triển khai, thực hiện cuộc thi một cách thiết thực, hiệu quả. Đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin, tuyên truyền trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu các mô hình/sản phẩm tiêu biểu của các cuộc thi trước để thanh, thiếu niên và nhi đồng trong tỉnh cập nhật thông tin, tham khảo, rút kinh nghiệm. Qua đó, cuộc thi đã trở thành phong trào sâu rộng ở tất cả các cấp học, trường học trong toàn tỉnh, tạo thành hiệu ứng tích cực giúp tuổi trẻ học đường sáng tạo, say mê ứng dụng khoa học kỹ thuật vào cuộc sống và học tập.
Cuộc thi lần thứ VII (2015-2016) đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Hầu hết các trường học trong tỉnh đều có học sinh tham gia, với tổng số 3.149 mô hình/sản phẩm cấp trường, tăng 464 mô hình/sản phẩm so với cuộc thi lần thứ VI. Sau khi phân loại đánh giá cấp trường, Ban tổ chức cấp huyện, thành phố nhận được 881 mô hình/sản phẩm tham dự. Sau khi sàng lọc, phân loại, đánh giá, Ban tổ chức cuộc thi cấp huyện, thành phố gửi về Ban tổ chức cuộc thi cấp tỉnh 160 mô hình/sản phẩm dự thi, tăng 40 mô hình/sản phẩm so với cuộc thi lần thứ VI. Trong đó, lĩnh vực "Bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế" và "Dụng cụ gia đình và đồ chơi trẻ em" chiếm phần lớn với gần 140 sản phẩm/mô hình tham dự; lĩnh vực "Phần mềm tin học" và "Sản phẩm thân thiện với môi trường" có 12 mô hình/sản phẩm. Tuy nhiên, chất lượng mô hình/sản phẩm tham gia cuộc thi lần này đồng đều hơn, không có sự khác biệt lớn giữa các huyện, thành phố. Để động viên, khuyến khích các em tham gia, Ban tổ chức đã thay đổi Thể lệ cuộc thi lần thứ VII, ngoài các giải thưởng như các kỳ trước còn có thêm 2 giải phụ là: "Mô hình/sản phẩm cho tác giả là người dân tộc thiểu số" và "Mô hình/sản phẩm cho tác giả thuộc vùng khó khăn".
Sau khi xem xét, đánh giá và chấm các mô hình/sản phẩm, Ban tổ chức cuộc thi tỉnh đã chọn được 59 mô hình/sản phẩm trao giải, bao gồm: 3 giải nhất, 6 giải nhì, 20 giải ba, 30 giải khuyến khích và 4 giải phụ. Trong đó, thành phố Ninh Bình đoạt 7 giải, thành phố Tam Điệp 6 giải; các huyện: Yên Khánh 7 giải, Hoa Lư 14 giải, Kim Sơn 12 giải, Nho Quan 4 giải, Gia Viễn 5 giải và Yên Mô đoạt 4 giải.
Thực tế cho thấy, cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên và nhi đồng không chỉ là sân chơi bổ ích, cơ hội cho học sinh giao lưu, học hỏi, kết bạn mà còn khơi dậy tính sáng tạo, rèn giũa tính kiên nhẫn, tiết kiệm, hướng các em trở thành những con người có trách nhiệm đối với những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Tuy nhiên, để cuộc thi ngày càng phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa sâu rộng trong thanh, thiếu niên và nhi đồng, các ngành, địa phương cần phải có sự quan tâm, động viên tích cực hơn nữa. Đặc biệt xem xét hỗ trợ kinh phí cần thiết cho các mô hình/sản phẩm có khả năng đoạt giải cao trong cuộc thi tỉnh và toàn quốc. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về các thông tin của cuộc thi. Đồng thời có sự liên kết, trao đổi chặt chẽ giữa Ban tổ chức và Ban giám hiệu, giáo viên tại các trường học để kịp thời định hướng phương pháp nghiên cứu, tiếp cận, nâng cao chất lượng các mô hình, sản phẩm. Đặc biệt, ngoài khả năng sáng tạo, niềm đam mê nghiên cứu khoa học của bản thân, các thanh, thiếu niên và nhi đồng rất cần sự động viên, cổ vũ, bồi dưỡng từ phía gia đình, nhà trường... giúp các em thêm nghị lực phát huy tài năng, ý tưởng, đủ sức sáng tạo những mô hình, sản phẩm lớn hơn, thiết thực hơn nữa nhằm áp dụng hiệu quả vào cuộc sống và học tập.
Hạnh Chi