Công tác triển khai các đề tài, dự án khoa học và công nghệ được quan tâm chỉ đạo thực hiện đúng các quy định của nhà nước, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XI), Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 về phát triển KH&CN, Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Khoa học - Công nghệ và UBND tỉnh. Từ năm 2010-2015, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, trình Bộ Khoa học - Công nghệ, UBND tỉnh phê duyệt cho phép triển khai hàng trăm nhiệm vụ KH&CN bao gồm: Các đề tài độc lập cấp nhà nước, dự án nông thôn miền núi, dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, dự án thuộc Chương trình phát triển quỹ gen và các đề tài, dự án cấp tỉnh.
Đặc biệt từ năm 2013 đến nay, Sở đã tranh thủ được sự ủng hộ và nguồn kinh phí từ Bộ Khoa học - Công nghệ để tham mưu với UBND tỉnh đề nghị Bộ Khoa học - Công nghệ cho phép triển khai nhiều đề tài độc lập cấp nhà nước, các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi và các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, do đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Điển hình như các đề tài, dự án độc lập cấp Nhà nước với quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển ngành cơ khí, chế tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Một số đề tài, dự án độc lập cấp nhà nước đã phát huy hiệu quả cao và thay thế các sản phẩm nhập ngoại, trong đó có những sản phẩm khoa học trở thành thương hiệu mạnh đứng trong nhóm các sản phẩm quốc gia, đó là các sản phẩm thiết bị nâng hạ; chế tạo chân vịt tàu thủy bằng thép không gỉ chịu ăn mòn nước biển, thử nghiệm hệ thống phát điện sử dụng năng lượng sóng biển công suất tối thiểu 500 kw và đặc biệt là sản phẩm có tính năng độc đáo như hệ thống cẩu phục vụ xây dựng thủy điện Sơn La đã đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN... Các sản phẩm trên đã làm nên thương hiệu cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ - Xí nghiệp cơ khí Quang Trung.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, các đề tài, dự án đã đưa các tiến bộ kỹ thuật mới vào áp dụng, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt. Cụ thể: Đã tham mưu xác định được các sản phẩm đặc thù của địa phương, để định hướng đầu tư KH&CN như: Lúa, khoai lang Hoàng Long, dê núi Ninh Bình, hươu, gà lai giữa gà rừng và gà ri. Các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất chăn nuôi (như giống bò theo hướng chuyên thịt, giống lợn ngoại siêu nạc, chăn nuôi theo hướng an toàn trên đệm lót vi sinh...), đã tạo ra nhiều giống cây, giống con có giá trị kinh tế cao (giống cà chua ghép, các giống rau mới, giống ngô, khoai tây; giống cá Nác, cá Đối mục, giống dê núi bản địa Ninh Bình), góp phần khai thác và phát triển kinh tế vùng ven biển, vùng đồi núi và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng giá trị sản xuất, thu nhập trên 1 ha canh tác nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.
Các đề tài, dự án trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã ứng dụng nhiều tiến bộ KH&CN, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp dây chuyền công nghệ để mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống như: Thêu ren Ninh Hải, gốm Bồ Bát, đá Ninh Vân. áp dụng nhiều tiến bộ KH&CN vào sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống và ngành nghề mới như: Bèo bồng, cói, giang, mây, hương tăm, chiếu tre… ở doanh nghiệp Thành Hóa (Yên Khánh), doanh nghiệp Đổi Mới (huyện Kim Sơn)...
Bên cạnh đó, các đề tài, dự án trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn đã cung cấp số liệu, tài liệu, luận cứ khoa học có hệ thống giúp cho các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Trong lĩnh vực điều tra cơ bản, các đề tài, dự án góp phần cung cấp tài liệu, số liệu, luận cứ có hệ thống giúp cho việc định hướng quy hoạch đô thị, du lịch, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên: nước, khoáng sản, lâm nghiệp… Một số đề tài điển hình như: Đề tài "Đánh giá tiềm năng nguyên liệu Đôlômít vùng núi đá Ninh Bình, điều tra chi tiết hóa một số vùng trọng điểm", đề tài "Điều tra, xác định nguyên nhân hạ thấp mực nước ngầm huyện Yên Khánh, Kim Sơn. Đề xuất các giải pháp khắc phục và khai thác, sử dụng bảo vệ tài nguyên đất dưới nước"... ở lĩnh vực công nghệ thông tin, một số đề tài mang lại hiệu quả cao như: Đề tài: "ứng dụng CNTT cung cấp thông tin khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông nghiệp - nông thôn". Đến nay, 100% cơ sở từ tỉnh đến xã, trường học, bệnh viện đều được trang bị máy vi tính, nhiều cơ sở đã nối mạng Internet, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị.
Cùng với việc triển khai các đề tài, dự án, công tác quản lý công nghệ đi vào chiều sâu, bước đầu hình thành một môi trường công nghệ lành mạnh, hiệu quả. Hàng năm, Sở Khoa học - Công nghệ đã phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp và Sở Kế hoạch - Đầu tư thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư, kiểm tra các đơn vị đầu tư đổi mới và ứng dụng công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn. Công tác thẩm tra công nghệ đóng góp tích cực vào hoạt động lựa chọn công nghệ đầu tư của tỉnh; công tác kiểm tra đã phát hiện được các vấn đề cần khắc phục trong quá trình tham mưu tư vấn cũng như khi phê duyệt hồ sơ dự án. Qua kiểm tra sau đầu tư đã đánh giá được hiệu quả trong việc chuyển giao, ứng dụng các đề tài, dự án vào thực tiễn và hiệu quả đầu tư công nghệ của các dự án, từ đó đã giúp các doanh nghiệp quản lý, tiếp nhận những công nghệ tiên tiến trên thế giới, ngăn chặn, loại bỏ các công nghệ lạc hậu, không còn phù hợp.
Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức trong xã hội, lập lại kỷ cương trên một số lĩnh vực sản xuất và lưu thông hàng hóa, đấu tranh chống hàng kém chất lượng, hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và văn minh thương mại. Nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, người tiêu dùng. Việc xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008 tại các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh được quan tâm thực hiện. Quản lý Nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân đã tiến hành kiểm tra và hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép cho tất cả các cơ sở sử dụng thiết bị X-quang trong các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh được tiến hành nghiêm túc và đi vào nề nếp, các quy trình cấp phép rõ ràng, đúng quy định. Hoạt động sở hữu trí tuệ, phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đi vào nề nếp, thực chất và hiệu quả. Từ năm 2013 đến nay, Sở đã tăng cường phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức các lớp tập huấn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc sản địa phương; đồng thời quan tâm hướng dẫn thủ tục và tham vấn về sở hữu trí tuệ cho các đơn vị, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Hồng Giang