Vì vậy, việc quản lý đối với loại hình kinh doanh TMĐT đang đặt ra nhiều thách thức với cơ quan thuế. Vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản số 478/UBND-VP5 về việc tăng cường quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc thu thuế qua mạng nảy sinh nhiều vướng mắc bởi nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh không mấy mặn mà và tìm cách né tránh.
Lâu nay, người bán hàng cũng như người mua hàng qua kênh TMĐT đều cho rằng bán hàng online là một công việc làm thêm và không tính đến nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, có những nhóm bán hàng qua facebook đã hoạt động quy mô như một doanh nghiệp siêu nhỏ.
Anh N.T và những người bạn sau khi tốt nghiệp đại học chưa xin được việc làm đã mở trang website để bán hàng mỹ phẩm. Với kiến thức của sinh viên kinh tế, công việc kinh doanh qua mạng của nhóm anh N.T đã nhanh chóng phát triển mạnh, phải thuê thêm gần 10 nhân viên để làm các dịch vụ như trực khách hàng, đóng gói, ship hàng…, thu nhập hàng tháng không dưới 100 triệu đồng. Tuy nhiên, vì không có địa điểm bán hàng, không sử dụng tên thật khi đăng ký trang website nên không có cơ quan quản lý về thương mại nào quản lý chất lượng sản phẩm và anh T. cũng không phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Anh T. cho biết: Nếu kinh doanh TMĐT, có rất nhiều cách để trốn thuế, vì phần lớn hoạt động giao dịch được thực hiện trên nền Internet nên giá trị gần như vô hình, khó xác định giá bán. Hoạt động kinh doanh TMĐT có nhiều điểm khác xa với thương mại truyền thống như không có kho chứa hàng, không cần dự trữ nhiều hàng hóa. Về mặt không gian, thời gian và vị trí địa lý cũng không bị giới hạn, có thể thực hiện giao dịch 24/24 giờ.
Ngoài ra, theo anh T, do hoạt động giao dịch hàng hóa diễn ra trên nền tảng di động, Internet nên rất dễ để chủ giao dịch hàng hóa ẩn danh, nặc danh và xóa bỏ thông tin giao dịch trong trường hợp cảm thấy không an toàn hoặc có khả năng bị thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh đó, việc kê khai thu nhập từ bán hàng trên mạng là sự tự nguyện. Nếu thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng, nhưng chỉ kê khai 50 triệu đồng, thì sẽ tránh được nghĩa vụ đóng thuế. Bởi, việc bán hàng qua mạng không có hóa đơn nên không thể kiểm tra, giám sát việc kê khai thu nhập. "Theo tôi, đây là lỗ hổng pháp lý nên khó thực hiện việc thu thuế bán hàng qua mạng" - anh T. khẳng định.
Qua tìm hiểu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cho thấy, kinh doanh qua mạng xã hội facebook xuất hiện và nở rộ từ nhiều năm nay. Mạng xã hội này đã trở thành môi trường bán hàng trực tuyến lý tưởng cho nhiều người không có điều kiện mở cửa hàng kinh doanh. Các mặt hàng kinh doanh trên mạng cũng đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực, từ quần áo, giày dép, đồ ăn thức uống, mỹ phẩm, dược phẩm cho tới đồ gia dụng, sản phẩm công nghệ và thậm chí cả bất động sản….
Chị K.H tại thành phố Ninh Bình đang sử dụng facebook cá nhân để bán các mặt hàng như sữa cho trẻ em, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh…là những hàng xách tay ở nước ngoài. Chị đã bán hàng qua mạng 2 năm nay, lợi nhuận từ việc này đem lại cũng khá cao, mỗi tháng hơn 10 triệu đồng.
Khách hàng của chị đều là những người có quan hệ thân thiết hoặc qua giới thiệu của bạn bè. Hình thức giao dịch là trao tiền mặt hoặc chuyển khoản. Mặc dù việc kinh doanh diễn ra khá sôi động nhưng đến nay chị K.H vẫn không biết về việc nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. "Việc xuất hàng cũng không có hóa đơn nên không thể kê khai thu nhập. Do vậy, không có cơ sở để thu thuế đối với việc buôn bán qua mạng của tôi" - chị K.H nói.
Khảo sát đối với những người buôn bán qua mạng, cho thấy: Lâu nay họ đều nghĩ việc tham gia mạng xã hội như facebook, zalo… là quyền riêng tư. Do đó, việc đăng tải hoặc rao bán hàng là tự do cá nhân, không liên quan gì đến nghĩa vụ đóng thuế. Mặt khác, mỗi người có thể sử dụng rất nhiều tài khoản nên rất khó kiểm soát việc thu thuế. Cho nên việc làm này có thể xảy ra tình trạng nhập nhèm, thiếu công bằng đối với các chủ tài khoản kinh doanh.
Chị K.C - chủ một trang bán các loại dược mỹ phẩm xách tay cho biết, ngoài công việc chính là dược sỹ tại bệnh viện, nhờ có mối hàng quen biết nên tôi bán thêm các loại dược mỹ phẩm xách tay để kiếm thêm thu nhập chứ không xác định là công việc chính nên không nghĩ đến việc phải đóng thuế. Theo chị K.C, nếu có quy định và chế tài cụ thể thì sẽ nghiêm chỉnh chấp hành, không ngại phải nộp thuế, song chỉ lo cơ chế, chính sách không công bằng và minh bạch.
Có thể thấy, việc mua sắm trực tuyến đang dần trở thành thói quen của người dân. Doanh nghiệp đã đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến để tiết giảm chi phí quảng cáo và giao dịch. Tuy nhiên, quản lý hoạt động này như thế nào cho hiệu quả, phù hợp với xu hướng thương mại quốc tế mà vẫn không gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước là một vấn đề còn nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý thuế.
Theo đại diện Cục Thuế tỉnh, việc thu thuế đối với các thành phần kinh doanh online là cần thiết, vì nó tạo ra sự công bằng trong các loại hình kinh doanh, đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh. Cùng với đó, tất cả người dân và các hộ kinh doanh đều phải có nghĩa vụ đóng thuế theo quy định của pháp luật... Tuy nhiên, cần sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan liên quan để việc thu thuế có hiệu quả. Để quản lý tốt về thuế, phải khuyến khích sử dụng hóa đơn để tránh thất thu thuế của Nhà nước.
Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản số 478/UBND-VP5 về việc tăng cường quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh. Do đó, để quản lý tốt hoạt động kinh doanh TMĐT, thời gian tới cần có sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức, ban, ngành như: Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, các nhà cung cấp trang mạng xã hội: facebook, zalo, instargram... cung cấp danh sách các website bán hàng... giúp cơ quan thuế đôn đốc kê khai, nộp thuế.
Cùng với việc khuyến khích giao dịch thanh toán trực tuyến, hạn chế giao dịch bằng tiền mặt, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra thông qua các công ty giao nhận, bưu chính, chuyển phát, tổ chức tín dụng để nắm danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT chưa kê khai, nộp thuế... để xử lý theo luật định.
Nguyễn Thơm