Theo đó, Nghị định 94/2012/NĐ-CP quy định về sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu và cồn thực phẩm bao gồm: Đầu tư, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất, kinh doanh. Trong đó, rượu thuộc nhóm hàng hóa mà Nhà nước hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép. Điều kiện để được cấp giấy phép sản xuất rượu nhằm mục đích kinh doanh là: cơ sở phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường, chất lượng an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa sản phẩm rượu theo quy định của pháp luật hiện hành; giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, cam kết bảo vệ môi trường, công bố sản phẩm rượu… Quy định chặt chẽ như vậy, song trên thực tế, việc thực hiện quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công ở xã Lai Thành lại không hề đơn giản.
Lai Thành là nơi có nghề nấu rượu truyền thống. Hiện nay, có trên 400 hộ nấu rượu thủ công bán lẻ, bán buôn cho các nhà hàng, quán ăn của địa phương và các tỉnh lân cận. Gia đình ông Vũ Văn Công ở xóm 7 có thâm niên hơn 40 năm làm nghề nấu rượu. Mỗi ngày, gia đình ông nấu 70 lít rượu. Vào dịp cuối năm, có ngày gia đình ông bán được vài trăm lít rượu.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc xin giấy phép sản xuất rượu thủ công theo Nghị định 94 thì ông Công khá bất ngờ. "Lai Thành có nghề nấu rượu từ xa xưa. Chúng tôi chủ yếu tranh thủ nấu rượu lúc nông nhàn, hoặc tận dụng các sản phẩm nông nghiệp để nấu rượu. Chỉ một số ít gia đình bán rượu với số lượng lớn, còn lại đa số các hộ nấu rượu phục vụ nhu cầu trong gia đình, bán cho một số quán ăn, người quen để tăng thêm thu nhập chứ không buôn bán lớn nên thực sự không ai quan tâm đến việc phải có giấy phép sản xuất".
Một số hộ khác cũng rất lạ lẫm với Nghị định này. Chị Phạm Thị Sự phân bua: Bao năm nay gia đình vẫn nấu rượu và chỉ biết làm sao cho rượu "ngon" để giữ khách, còn quy định nấu rượu phải xin phép thực sự là gia đình tôi chưa biết đến. Có lẽ do nấu với quy mô nhỏ nên cũng chưa thấy cơ quan chức năng nào đến nhắc nhở về giấy phép.
Bây giờ mới biết về Nghị định 94, nhưng vẫn chưa rõ quyền lợi và trách nhiệm của hộ sản xuất rượu thủ công như thế nào? "Người dân ở đây nấu rượu từ lâu đời nhưng chủ yếu là tự phát theo hộ gia đình, tận dụng phế phẩm từ rượu để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vì vậy, nếu buộc phải đăng ký theo quy định thì chúng tôi phải bỏ nghề mất. Mỗi nồi rượu phải ủ 15 ngày, nấu mất 3 tiếng mới được 6-7 lít rượu, trừ chi phí lãi chẳng đáng là bao. Nếu phải thực hiện các quy định này chắc sẽ không ai làm nữa"- chị Sự chia sẻ.
Ông Trần Văn Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Lai Thành cho biết, thực tế tại địa phương, đa phần các cơ sở sản xuất rượu thủ công quy mô nhỏ, vừa nấu rượu vừa kết hợp sử dụng phế phẩm để chăn nuôi, không có đăng ký kinh doanh, cơ sở thiết bị hạ tầng trong sản xuất được sử dụng chung các thiết bị, khu vực sinh hoạt gia đình. Để đủ điều kiện cấp phép, các gia đình phải đạt được những điều kiện nhất định về mặt pháp lý cũng như cơ sở vật chất mà pháp luật quy định. Đây là đòi hỏi tương đối khó so với mặt bằng chung của các hộ nấu rượu thủ công ở đây.
Do thủ tục cấp phép sản xuất rượu thủ công phức tạp, giấy tờ liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, đồng thời người dân cũng phải mất một khoản chi phí để hoàn thiện các thủ tục nên các hộ cũng ngán ngại. Bên cạnh khó khăn từ phía người dân, còn một khó khăn khác phải nói tới đó là mặc dù đã nhận được công văn của cấp trên về việc thực hiện Nghị định 94 nhưng lại không có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Vì vậy, địa phương chỉ biết tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở để người dân nắm được nội dung Nghị định chứ chưa thể làm được việc gì hơn. Tuy địa phương đã tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nhưng đến nay các hộ vẫn chưa làm thủ tục xin cấp giấy phép sản xuất kinh doanh.
Thực tế cho thấy, phần lớn rượu thủ công lưu hành trên thị trường hiện nay đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trong đó có không ít trường hợp người kinh doanh gian dối trộn lẫn cồn với các hóa chất độc hại tạo thành rượu rồi đưa ra thị trường, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh rượu thủ công hiện nay là việc làm vô cùng cần thiết.
Tuy nhiên, để Nghị định trên thực sự đi vào cuộc sống thì cần phải có những văn bản hướng dẫn cụ thể, phù hợp hơn với thực tế từng địa phương và đặc điểm, tính chất, quy mô của từng loại hình sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Đi đôi với đó, cần nâng cao vai trò của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục người dân sản xuất và sử dụng rượu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh, kiểm tra nhằm phát hiện sai phạm và hướng dẫn người dân sản xuất, kinh doanh rượu theo Nghị định 94 của Chính phủ.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng