Thực trạng nợ xấu của các ngân hàng Ông Lê Văn Hinh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) chi nhánh Tam Điệp cho rằng: Một trong những nguyên nhân chính gây ra nợ xấu bắt nguồn từ yếu tố suy giảm của nền kinh tế. Đến thời điểm này, mức tăng trưởng của nền kinh tế chưa cao. Các doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Do đó, nợ xấu của các ngân hàng chủ yếu là ở phía khách hàng doanh nghiệp, bởi với những khách hàng cá nhân có lượng vốn vay thường nhỏ, dễ quản lý và đánh giá tài sản thế chấp cũng như công tác thu hồi nợ.
Theo báo cáo của Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Tam Điệp, đến nay chi nhánh đã thực hiện được trên 80% các chỉ tiêu kinh doanh của Ngân hàng Công thương Việt Nam giao, trừ chỉ tiêu thu hồi nợ xấu. Nguyên nhân do Chi nhánh có một số khách hàng có nợ xấu quá hạn lớn đã phải khởi kiện, xử lý tài sản qua cơ quan Thi hành án nhưng tiến độ xử lý chậm và kết quả thu hồi nợ thấp.
Hiện nay, Chi nhánh có 6 khách hàng đang giải quyết qua cơ quan thi hành án từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa giải quyết được để thu hồi nợ.
Một trong những khách hàng nợ xấu lớn của Vietinbank Tam Điệp là Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại và dịch vụ Xuân Đạt.
Theo chị Hoàng Thị Hạnh, cán bộ ngân hàng cho biết: Công ty Xuân Đạt phát sinh nợ xấu từ cuối năm 2010, Ngân hàng đã tạo mọi điều kiện giúp Công ty vượt qua khó khăn như giảm lãi suất, cho Công ty chủ động thanh lý tài sản kém hiệu quả để trả nợ. Công ty đã phối kết hợp với ngân hàng xử lý bán một số tài sản để trả nợ cho ngân hàng được 33 tỷ đồng.
Đến nay Công ty còn nợ Ngân hàng 17.648 triệu đồng với số tài sản đảm bảo còn lại là toàn bộ dự án đầu tư xây dựng khu nuôi trồng thủy sản kết hợp với dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống và nhà nghỉ trên diện tích đất gần 60 nghìn m2 tại xã Khánh An (Yên Khánh).
Theo như hợp đồng tín dụng, Chi nhánh Vietinbank Tam Điệp có quyền thông báo bán đấu giá tài sản thế chấp để đảm bảo quyền lợi cho mình và thu hồi vốn của Nhà nước với giá khởi điểm 23 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do có sự tranh chấp nên Chi nhánh Vietinbank Tam Điệp đã làm đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân tỉnh yêu cầu giải quyết quyền lợi hợp pháp cho ngân hàng. Đồng thời cũng đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời kê biên toàn bộ tài sản thế chấp.
Chi nhánh Vietinbank Tam Điệp đã khởi kiện từ tháng 10-2011, qua nhiều lần giải quyết, thậm chí Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành quyết định công nhận tài sản thế chấp của Công ty Xuân Đạt thuộc quyền phát mại của Chi nhánh Vietinbank Tam Điệp nhưng sự việc trên vẫn dây dưa kéo dài do nhiều thủ tục hành chính của các bên liên quan nên việc bán tài sản chậm trễ.
Cũng theo chị Hoàng Thị Hạnh cho biết: Nếu như vụ việc được giải quyết ở thời điểm năm 2011-2012 khi thị trường bất động sản đang khởi sắc thì việc bán tài sản thuận lợi và đã giải quyết cơ bản số nợ ngân hàng, Nhà nước thu hồi được số nợ thuế của doanh nghiệp, nợ bảo hiểm của người lao động..., tài sản của doanh nghiệp cũng được phát huy hiệu quả, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Nhưng đến nay, khi thị trường bất động sản trong cả nước gần như đóng băng, kinh tế trong nước chưa phục hồi thì việc giao dịch khối lượng tài sản lớn như của Công ty Xuân Đạt là rất khó khăn.
Mặc dù qua 18 lần giảm giá, đến nay giá phát mại của Công ty Xuân Đạt chỉ còn trên 26 tỷ đồng nhưng vẫn không có người mua. Với điều kiện như hiện nay và theo quy định của Luật Đấu giá, chắc chắn tài sản của Công ty sẽ bị ép giá. Điều này không chỉ thiệt hại cho phía doanh nghiệp mà cả các bên liên quan như ngân hàng, thuế và bảo hiểm xã hội.
Thiết nghĩ, nếu việc xử lý nợ xấu của ngân hàng có sự phối hợp đúng luật và kịp thời của các cơ quan liên quan thì vụ việc đã không kéo dài, gây khó khăn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, vụ việc giữa Vietinbank Tam Điệp và Công ty Xuân Đạt chỉ là ví dụ điển hình trong số hàng trăm doanh nghiệp còn đang có nợ xấu tại các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn cần được sự hỗ trợ của các cơ quan thực thi pháp luật để giải quyết, đảm bảo quyền lợi giữa các bên liên quan.
Các phương án giải quyết
Trong thời gian qua, quan hệ tín dụng giữa hệ thống ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp có nhiều khó khăn, bất cập. Để phá vỡ tảng băng về tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp, một trong những vấn đề cần giải quyết là xử lý nợ xấu.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện khá tốt việc quản lý nợ và xử lý nợ xấu. Hầu hết các chi nhánh Ngân hàng, tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ trên dưới 1%. Việc nợ xấu của các doanh nghiệp cũng được các ngân hàng, tổ chức tín dụng tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Đến ngày 30-9-2015, tổng nợ được cơ cấu lại của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh là 1.858 tỷ đồng (giảm 21,34% so với thời điểm ngày 31-12-2014). Tổng nợ được xử lý rủi ro là 307 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu ở các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn còn đang gặp một số khó khăn như việc phát mại tài sản thế chấp của khách hàng là quyền của ngân hàng nhưng khi giải quyết liên quan đến nhiều cơ quan có thẩm quyền và bị chi phối bởi nhiều Luật như: Luật Dân sự, Luật Đất đai...dẫn đến thủ tục giải quyết các vụ việc bị kéo dài. Bên cạnh đó, còn một số yếu tố khác như: việc định giá tài sản phát mại bị chi phối bởi thị trường, tâm lý của khách hàng tham gia đấu giá tài sản ngân hàng phát mại và bản thân một số doanh nghiệp cũng không chủ động hợp tác với ngân hàng để giải quyết nợ xấu.
Để hạn chế phát sinh nợ xấu trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp giảm lãi suất, xem xét, cơ cấu lại nợ cho khách hàng tại các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục giám sát chặt chẽ, chỉ đạo và hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước và của UBND tỉnh.
Theo đó, bản thân các ngân hàng thương mại phải giám sát chặt chẽ các khoản vay ngay từ đầu, đầu tư vốn đúng mục đích, trong đó đảm bảo nguyên tắc cho vay an toàn và chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, tích cực đôn đốc thu nợ đến hạn, tập trung cho vay các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và các ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Khôi, thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp trong công tác thi hành án dân sự, vừa qua Ngân hàng Nhà nước tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Bình và Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong công tác thi hành án dân sự nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự có liên quan đến hoạt động tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng sẽ theo định kỳ báo cáo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp, lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự để có giải pháp chỉ đạo giải quyết, tạo điều kiện cho công tác xử lý nợ xấu của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đạt hiệu quả cao.
Bài, ảnh: Phúc Nguyên