Phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình là một trong những đơn vị đầu tiên đón nhận DVCTT khi Kho bạc Nhà nước Ninh Bình triển khai hệ thống trên diện rộng. Anh Đỗ Văn Ngọc, kế toán của UBND phường Đông Thành cho biết: Sau một thời gian đưa vào sử dụng, tôi nhận thấy DVCTT đem lại rất nhiều tiện ích cho người sử dụng, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay. Thay vì phải trực tiếp đến Kho bạc như trước đây, cán bộ kế toán chỉ cần sử dụng DVCTT để thực hiện các giao dịch chủ yếu. Hiện, đơn vị đã có 69 chứng từ (chủ yếu là giao dịch thường xuyên) được giao dịch thành công qua DVCTT.
Nhiều tiện ích và thuận lợi hơn khi giao dịch qua DVCTT là cảm nhận của chị Lê Thị Hường, kế toán Trường Mầm non Tràng An khi giao dịch với Kho bạc Nhà nước. "Lợi ích lớn nhất của DVCTT chính là hạn chế được việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu của đơn vị. Bên cạnh đó, DVCTT giúp giảm chi phí cho đơn vị vì không phải in nhiều chứng từ, hồ sơ để mang đến Kho bạc, không phải đi lại nhiều, vừa giúp thanh toán nhanh gọn" Chị Hường cho biết.
Theo thông tin từ Kho bạc Nhà nước Ninh Bình, tính đến ngày 4/6/2019, tại Ninh Bình đã có 130 đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch thành công trên DVCTT của kho bạc. Con số này đã vượt xa mục tiêu Kho bạc Nhà nước Ninh Bình đặt ra ban đầu khi triển khai hệ thống ra diện rộng là từ tháng 3 đến hết tháng 6/2019 sẽ có 100 đơn vị sử dụng ngân sách tham gia sử dụng. Bước sang năm 2020, số lượng các đơn vị sử dụng ngân sách đăng ký DVCTT đã tăng vọt so với thời điểm trước đó. Tính đến ngày 30/6/2020, toàn tỉnh đã có 863 đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh đăng ký sử dụng DVCTT Kho bạc Nhà nước và gửi chứng từ thanh toán qua DVCTT, đạt 94% tổng số đơn vị phải tham gia. Tổng số chứng từ giao dịch qua DVCTT trong 6 tháng đầu năm 2020 là 50.380 bộ.
Theo ông Đinh Văn Hợp, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Ninh Bình, khi triển khai chương trình này đơn vị đã gặp rất nhiều khó khăn vất vả. Bởi vì các đơn vị sử dụng ngân sách vẫn giữ thói quen giao dịch bằng chứng từ giấy. Hơn nữa, đội ngũ kế toán tại các đơn vị sử dụng ngân sách phần lớn đã có tuổi nên ngại đổi mới, vì thế DVCTT chưa được các đơn vị tiếp nhận và đồng thuận. Trước thực trạng đó, Kho bạc Nhà nước đã tập trung tuyên truyền về các lợi ích mà DVCTT mang lại và vận động các đơn vị sử dụng ngân sách tham gia.
Đồng thời, thành lập Tổ hỗ trợ, cử cán bộ xuống tận các đơn vị sử dụng ngân sách hướng dẫn cài đặt máy, cách sử dụng, khó đến đâu gỡ đến đó nên các đơn vị dần dần đã bắt nhịp và chuyển sang thực hiện giao dịch theo cách thức mới. Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, Kho bạc Nhà nước Ninh Bình còn phối hợp các sở, ban, ngành triển khai thực hiện DVCTT. Đến nay nhiều khối, ngành có 100% đơn vị sử dụng DVCTT thay cho cách giao dịch truyền thống trước đây như: ngành Giáo dục và Đào tạo; khối phường, xã...
Cũng theo ông Đinh Văn Hợp, kể từ khi sử dụng DVCTT, số lượng khách hàng đến giao dịch trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước đã giảm hẳn. Thông qua DVCTT, hiệu quả làm việc được nâng cao rõ rệt. Cán bộ giao dịch giảm thiểu giao dịch nhận chứng từ trực tiếp nên hoạt động của Kho bạc minh bạch hơn, phục vụ các đơn vị, doanh nghiệp, người dân tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. 100% hồ sơ DVCTT lĩnh vực Kho bạc Nhà nước đều được giải quyết đúng hạn. Như vậy, không chỉ mang lại nhiều thuận lợi cho đơn vị sử dụng, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kho bạc Nhà nước.
Kho bạc Nhà nước Ninh Bình đặt ra mục tiêu đẩy nhanh và mạnh DVCTT cả về số đơn vị tham gia và số chứng từ. Đến cuối năm 2020 đạt tỷ lệ 100% số đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước tham gia và sử dụng DVCTT Kho bạc Nhà nước. Các hoạt động Kho bạc Nhà nước được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, bước đầu hình thành kho bạc điện tử.
Theo ông Đinh Văn Hợp, đây là mục tiêu khả thi bởi hiện nay, tỷ lệ đơn vị sử dụng ngân sách đăng ký sử dụng DVCTT đã đạt hơn 94%. Về phía Kho bạc Nhà nước đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành vận động các đơn vị giao dịch về mục đích, lợi ích DVCTT mang lại và hỗ trợ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Phối hợp với các đơn vị khẩn trương rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, con người để thực hiện DVCTT.
Cùng với đó, Kho bạc Nhà nước Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ nghiệp vụ, nâng cao tính chuyên nghiệp và trình độ quản lý tiên tiến của đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu mới.
Hồng Giang