Sau những ngày đón Tết Nguyên đán đầm ấm bên gia đình, những ngư dân ở các xã bãi ngang của huyện Kim Sơn lại chuẩn bị căng buồm cho chuyến vươn khơi đầu tiên trong năm mới Tân Sửu. Dẫu còn nhiều vất vả, gian nan, song những ngư dân vẫn vững niềm tin, mong một năm mưa thuận gió hòa, cho những chuyến vươn khơi luôn ắp đầy tôm cá…
Khát vọng vươn khơi
Anh Hoàng Văn Bằng, sinh năm 1984, là một ngư dân ở xã Kim Đông (huyện Kim Sơn). Chọn một ngày đẹp, anh Bằng dậy sớm chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho một chuyến vươn khơi. Con tàu có trọng tải hơn 6 tấn được kỳ vọng sẽ giúp gia đình anh Bằng thoát khỏi đói nghèo, vươn lên như bao gia đình khác ở xã Kim Đông này.
Đây là chuyến ra khơi thứ 2 của vợ chồng anh Bằng kể từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu. "Ngay từ ngày mùng 6 Tết, vợ chồng tôi đã xuống tàu ra khơi. Do tàu trọng tải nhỏ, chúng tôi chỉ đánh bắt ven bờ. Lượng hải sản thu hoạch được chưa phải là nhiều. Thêm nữa, dịch bệnh đang phức tạp nên cũng ảnh hưởng tới giá bán của hải sản. Cả chuyến vươn khơi đầu tiên, tôi bán được gần 900 nghìn đồng. Trừ tiền dầu đi cũng chỉ còn lãi chút đỉnh, tuy nhiên đó cũng là báo hiệu niềm vui..."- anh Bằng chia sẻ.
Con tàu trị giá trên 100 triệu đồng này là con tàu thứ 3 trong… sự nghiệp của ngư dân Hoàng Văn Bằng sau hàng chục năm đi biển. Anh Bằng kể rằng, đời bố mẹ anh đi biển, sinh ra anh cũng ở trên tàu. Tuổi thơ của Bằng cũng là những tháng ngày rong ruổi trên biển. Lớn lên, lấy vợ rồi, anh Bằng cũng bám vào biển mà nuôi vợ con… Dẫu rằng cái nghiệp ngư dân cũng nhọc nhằn, vất vả, cũng chưa đủ để đổi lấy cuộc sống đủ đầy cho một gia đình đông con, nhưng chưa khi nào Bằng muốn bỏ nghề cả.
Năm nay thì khác. 3 đứa con của anh Bằng đã lớn hơn. Cả hai vợ chồng anh đều có thể đi biển. Vì vậy, niềm tin vào một năm ăn nên làm ra cũng vững chãi hơn nhiều. "Trước mắt, chúng tôi đặt mục tiêu phải cố gắng để ra khỏi danh sách hộ cận nghèo đã. Thoát nghèo rồi sẽ tiếp tục vươn lên thành hộ khá... Tôi rất mong được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, mua được con tàu trọng tải lớn hơn, có thể đánh bắt xa bờ, cho giá trị kinh tế cao..."- anh Bằng cho biết.
Gia đình ngư dân Vũ Văn Tự có cuộc sống ổn định nhờ vào ...lộc biển.
Cách đó không xa, gia đình ngư dân Vũ Văn Tự cũng đang chuẩn bị cho chuyến vươn khơi đầu tiên trong năm mới Tân Sửu. Anh Tự khởi hành chuyến đầu tiên trong năm mới muộn hơn người khác bởi lẽ anh đã làm việc chăm chỉ đến tận ngày 30 Tết. Trong chuyến đi biển cuối cùng của năm Canh Tý, tàu của gia đình anh đã khai thác được hơn 3 tấn cá tạp như cá mòi, úc…, bán với giá 50 nghìn đồng/kg.
"Thu hoạch từ chuyến đi biển cuối năm giúp gia đình tôi có một cái Tết đầy đủ. Hi vọng trong năm mới này, mưa thuận, gió hòa, ngư dân sẽ có nhiều chuyến đánh bắt được nhiều tôm, cá, cho cuộc sống khấm khá hơn."- anh Tự phấn khởi chia sẻ.
Cũng như nhiều hộ gia đình ở xã Kim Đông, từ chỗ cả gia đình phải lênh đênh cùng con tàu, coi tàu là nhà, giờ gia đình anh Tự đã mua được đất, xây dựng được ngôi nhà kiên cố. Cả 4 đứa con thơ được chăm sóc tốt hơn và được học hành tới nơi tới chốn. Có được cuộc sống mới ấy, theo anh Tự, đó là nhờ cả vào… "lộc" từ biển. Với ý thức, biển cho mình cuộc sống ấm no hơn, nên các ngư dân đều bảo nhau phải đoàn kết, chung sức cùng lực lượng bộ đội Biên phòng bảo vệ sự bình yên trên biển.
Đặc biệt, năm 2018, được sự giúp đỡ của Bộ đội biên phòng, ngư dân Kim Sơn đã thành lập được 3 tổ "tàu thuyền đoàn kết, an toàn" với 30 thành viên. Giờ đây, những ngư dân như anh Tự, anh Bằng đã không còn cảm giác đơn độc, lo lắng trong mỗi chuyến vươn khơi bám biển.
Với kinh nghiệm nhiều năm đi biển, anh Vũ Văn Tự được bầu làm tổ trưởng một tổ tàu thuyền đoàn kết, an toàn. "Từ khi tổ được thành lập, anh em ngư dân thường nhắc nhở nhau thực hiện đúng các quy định pháp luật khi đánh bắt trên biển. Hơn nữa, giờ đây, việc vươn khơi bám biển của chúng tôi không chỉ vì mưu sinh, mà còn là trách nhiệm trong việc bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền biển đảo quê hương"- anh Tự khẳng định.
Đại úy Đinh Văn Phương, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Cửa Đáy cho biết: Hiện nay, khu vực này có hàng trăm phương tiện đánh bắt ngoài khơi. Mỗi ngày, có khoảng 80 tàu cá ra vào cửa sông. Trước đây, nhân dân các xã bãi ngang rất nghèo. Họ bám vào hơn 17 km đường biển kiếm sống bằng nghề khai thác thủy sản. Nhiều người sẵn sàng sử dụng xung kích điện để đánh bắt, ảnh hưởng đến môi trường biển. Chưa kể, vì lợi ích cá nhân, nên xảy ra tranh chấp, thậm chí xuất hiện cả tình trạng gây rối, trộm cắp tài sản giữa các ngư dân…
Từ khi thành lập được đội tàu thuyền an toàn, đã tạo được sự gắn kết, hỗ trợ nhau trên biển. Các ngư dân có thể giúp đỡ, bảo vệ nhau khi xảy ra những tình huống hỏng hóc phương tiện trên biển; hoặc sớm phát hiện những hành vi vi phạm… kịp thời báo cho Bộ đội biên phòng để can thiệp, xử lý.