Thời gian qua, qua điều tra, khảo sát, kiểm tra về ATTP hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh nói chung và các cơ sở, sản xuất kinh doanh 6 nhóm mặt hàng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương nói riêng đều chấp hành tốt các quy định về ATTP trong kinh doanh. Hàng hóa được công bố chất lượng, công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định về ATTP theo quy định.
Tuy nhiên, tại một số cơ sở kinh doanh cố định, nhỏ lẻ vẫn xuất hiện tình trạng lén lút kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATTP và một số cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo điều kiện về ATTP.... Có tình trạng các đối tượng dùng công nghệ hiện đại hoặc đặt gia công hàng hóa có gắn nhãn mác hàng hóa xuất xứ là hàng Việt Nam để sản xuất hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo vệ sinh ATTP đưa về Việt Nam để tiêu thụ.
Trong năm, các đội Quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 39 vụ buôn bán, vận chuyển thực phẩm nhập lậu; 9 vụ buôn bán thực phẩm, phụ gia thực phẩm giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; 319 vụ vi phạm về ATTP (kinh doanh thực phẩm quá hạn, không rõ nguồn gốc, không niêm yết giá, vi phạm về nhãn mác,...)
Tại buổi khảo sát, Đại diện Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương) đã giải trình, làm rõ một số vấn đề các thành viên trong Đoàn còn băn khoăn về công tác lãnh đạo, chỉ đạo; các điều kiện về nguồn nhân lực, năng lực thực thi pháp luật; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị; điều kiện về tài chính, nguồn kinh phí của Đơn vị để phục vụ cho công tácthanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP; công tác phối kết hợp với các ngành, địa phương có liên quan...
Nêu lên một số khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật ATTP của đơn vị mình, Chi cục đề nghị, thời gian tới, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương cần tiếp thục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP tránh sự chồng chéo dẫn đến các cách hiểu và áp dụng khác nhau. Cụ thể như một số nội dung trong Pháp lệnh quản lý thị trường năm 2016, Nghị định số 178 quy định về xử phạt vị phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP, Điều 12 Luật ATTP...
Bên cạnh đó, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm các cơ sở giết mổ không phép, gây ô nhiễm môi trường; tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm, giám định chất lượng hàng hóa; các sở, ban, ngành tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP trên địa bàn tỉnh...
Kết thúc buổi làm việc, Đoàn khảo sát đánh giá cao những nỗ lực của Chi cục Quản lý thị trường trong việc thực thi pháp luật, góp phần vào công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh đồng thời ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của đơn vị.
Trước đó, Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại đội QLTT số 4 (huyện Hoa Lư) và số 5 (thành phố Ninh Bình).
*Buổi chiều Đoàn khảo sát của Ban pháp chế HĐND tỉnh tiếp tục làm việc với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) (thuộc Sở Y Tế).
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao về lĩnh vực quản lý Nhà nước ATTP, hiện nay Chi Cục ATVSTP đang quản lý trên 3.480 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Năm 2017, Chi cục ATVSTP đã tập trung triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán và mùa lễ hội, tháng hành động vì ATTP, tết Trung thu và các đợt đột xuất khác theo yêu cầu quản lý. Đồng thời tổ chức chức các đợt thanh, kiểm tra chuyên ngành vấn đề ATTP trên địa bàn các huyện, thành phố. Trong năm Chi cục đã kiểm tra trên 5.700 lượt cơ sở, xử phạt 104 cơ sở, đình chỉ hoạt động 5 cơ sở.
Tuy hầu hết các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định, nhưng vấn đề thực thi pháp Luật về ATTP vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: Việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật tăng; việc tuân thủ các quy định ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa được tốt; các văn bản pháp quyvề ATTP còn một số nội dung chưa có sự thống nhất; việc phân cấp ATTP cho 3 ngành bị dàn trải, khó thực hiện dẫn đến một số hoạt động bị chồng chéo và một số đối tượng bị bỏ sót; vấn đề phối hợp trong kiểm tra, giám sát, đặc biệt là kiểm soát chất lượng thực phẩm sau công bố chưa có sự thống nhất giữa các ngành trên địa bàn tỉnh....
Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, Chi Cục ATVSTP đề xuất, kiến nghị Chính Phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét thống nhất thành lập một cơ quan quản lý chung về ATTP tại tỉnh; ban hành, sửa đổi các văn bản pháp quy về ATTP để đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với thực tiễn. Chi Cục ATVSTP cũng đề nghị tỉnh quan tâm bổ sung kinh phí cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát ATTP; tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý về ATTP đối với UBND huyện, thành phố, đưa hoạt động.
Tại buổi khảo sát, đại diện lãnh đạo Chi cục ATVSTP đã giải trình, trao đổi làm rõ một số nội dung: vấn đề ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; một số bệnh phổ biến liên quan đến vấn đề ATTP; kinh phí đầu tư trang thiết bị thí nghiệm phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát ATTP; kinh phí tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo ATVSTP;.....
Đoàn khảo sát đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của Chi Cục ATVSTP, đây là cơ sở để Ban Pháp chế trình với HĐND tỉnh trong thời gian tới. Đoàn khảo sát cũng đề nghị Chi Cục ATVSTP có đề xuất và đưa ra những giải pháp cụ thể để tạo sự thống nhất giữa các ngành trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh.
Hà Phương- Hồng Giang- Minh Đường