Lúc nông nhàn, gia đình ông Trần Văn Thức, xóm 7 thôn La Bình bận rộn với nghề đan thúng. Theo ông Trần Văn Thức: Vì là nghề truyền thống nên hầu hết các gia đình trong thôn, trong xóm đều gắn bó và muốn giữ gìn nghề. So với mức thu nhập của nhiều ngành nghề hiện nay thì nghề đan thúng chưa phải là nghề cho thu nhập cao nhưng lại là nghề không kén người làm nên một gia đình thường có từ 2-4 người cùng làm, góp lại cũng cho thu nhập đáng kể. Thuận lợi trong việc làm nghề của người dân nơi đây là khâu bao tiêu sản phẩm được các nơi về đặt hàng nên người làm nghề không phải đưa sản phẩm đi bán lẻ. Sản phẩm thúng La Bình chủ yếu cung cấp cho các cơ sở, doanh nghiệp chuyên về xây dựng nên nhu cầu thị trường tương đối ổn định, giúp người dân yên tâm làm nghề và gắn bó với nghề. Trung bình một lao động có thể làm được từ 30 - 50 nghìn đồng, cao nhất có thể đạt tới 100.000 đồng/người/ngày. Nếu cả gia đình có từ 3-4 người làm thì mức thu nhập tương đối khá…
Cùng với nghề đan thúng truyền thống do ông cha để lại, người dân Khánh Vân những năm qua còn nhanh nhạy tiếp thu một số ngành nghề mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Một số nghề mới được đưa về địa phương như: mây tre đan, đan cói, bèo bồng, trồng nấm… đã thu hút người dân tham gia. Để giúp người lao động tiếp cận với nghề, xã đã quan tâm tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia làm nghề để phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Như nghề trồng nấm, mặc dù là nghề mới nhưng nhiều hộ gia đình đã nhận thức được giá trị kinh tế đem lại nên đã cùng liên kết làm để đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô lán trại, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng nấm, có thể dễ dàng tiêu thụ trên thị trường. Bên cạnh đó, các ngành nghề như: dịch vụ, mộc, xây dựng… được hình thành từ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân và dần được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, tay nghề nên nhiều năm qua đã trở thành nghề đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình. Chỉ tính riêng nghề truyền thống ở địa phương đã thu hút khoảng 500-700 lao động, chiếm 50% tỷ lệ lao động của xã. Cùng với các ngành nghề khác đã giúp cho nhiều lao động địa phương không phải xa quê đi làm ăn, từng bước ổn định cuộc sống.
Hiện nay, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ của xã chiếm trên 50% cơ cấu kinh tế của xã, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu lao động theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ngành nghề có sự phát triển mạnh nhưng là địa phương nông nghiệp nên xã Khánh Vân có nhiều giải pháp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm cung cấp cho thị trường. Cùng với cây lúa và các cây hoa màu, xã đã tuyên truyền người dân tập trung đầu tư vào chăn nuôi, xác định đây là một trong những giải pháp giảm nghèo hiệu quả. Tận dụng những khu vực ruộng trũng, những diện tích cấy lúa cho năng suất, hiệu quả thấp, xã đã tạo điều kiện cho người dân tham gia đấu thầu, vay vốn để cải tạo đồng ruộng, chuyển sang chăn nuôi theo mô hình kinh tế tổng hợp.
Địa bàn xã đã hình thành trên 20 gia trại chăn nuôi có quy mô vừa và nhỏ. Với những sản phẩm như: gà, vịt, ngan… nhiều năm nay các gia trại này là địa chỉ quen thuộc chuyên cung cấp nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng cho thị trường thành phố Ninh Bình và các huyện, thị khác trong tỉnh. Trung bình mỗi năm, các mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập từ 40-100 triệu đồng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động.
Với việc thu hút được nhiều nguồn lực vào phát triển kinh tế, xã Khánh Vân đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, giúp các hộ nghèo có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Xã phấn đấu năm 2013 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,5%, tạo động lực để hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Bùi Diệu