Ông Phạm Minh Sanh, Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện kể lại: "Trước đây, cũng như nhiều địa phương khác, ở xã Khánh Thiện (huyện Yên Khánh), điều người dân quan tâm hàng đầu là "làm thế nào để đủ ăn, đủ mặc" chứ mấy ai biết tới tờ báo. Một số người quan tâm tới báo chí (đặc biệt là những bác có tuổi) lại không đủ điều kiện tài chính để mua báo thường xuyên. Đôi khi, nhìn các bác chuyền tay nhau đọc tờ báo đã cũ, tôi hiểu các bác cũng yêu báo chí lắm. Từ đó, chúng tôi nảy ra ý tưởng thành lập một thư viện nhỏ, nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh, những người ham đọc báo có thể tiếp cận với nhiều đầu sách, báo khác nhau."
Từ ý tưởng đó, địa phương đã khởi xướng, vận động con em địa phương đóng góp xây dựng một thư viện khang trang với diện tích trên 80m2, trị giá trên 600 triệu đồng, nằm trong khuôn viên của Trường THCS Khánh Thiện. Từ đầu năm 2014, thư viện chính thức mở cửa phục vụ bạn đọc. Để việc hoạt động đi vào nề nếp, hiệu quả, xã Khánh Thiện đã thành lập một Ban quản lý thư viện bao gồm các thành viên là lãnh đạo xã, lãnh đạo Trường THCS Khánh Thiện và một số cán bộ hưu trí.
Để có lượng sách, báo nhiều, phong phú phục vụ độc giả, Ban quản lý thư viện đã tích cực tuyên truyền, vận động các em học sinh tặng lại sách giáo khoa cũ, con em địa phương thành đạt tặng đầu báo. Các thành viên trong ban quản lý cũng tự lựa chọn đầu báo để đặt mua dài hạn, đóng góp cho thư viện. Nhờ vậy, "vốn liếng" sách, báo, tạp chí của thư viện cũng khá phong phú, như: Sách giáo khoa, sách tham khảo cấp 1, cấp 2, báo Ninh Bình, báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí xây dựng Đảng, báo Giáo dục và Thời đại…
Đối tượng phục vụ của thư viện khá đa dạng, đó là các em học sinh và những người dân ham đọc sách, báo của địa phương. Em Nguyễn Thị Hiền, học sinh lớp 7B, Trường THCS Khánh Thiện cho biết, gia đình em còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, em không mua được những loại sách tham khảo. Từ khi thư viện đi vào hoạt động, các em có điều kiện tiếp cận với nhiều loại sách, tài liệu bổ ích, thiết thực phục vụ cho việc học văn hóa ở trường. Mỗi ngày, em thường đi học sớm hơn một chút để vào thư viện trả sách và mượn sách mới. Những buổi trống tiết, các em cũng rủ nhau lên thư viện đọc sách.
Không chỉ phục vụ đắc lực cho các em học sinh, dần dần, việc đến thư viện đọc sách, báo đã trở thành nếp quen, là món ăn tinh thần không thể thiếu của giáo viên và nhiều người dân Khánh Thiện. Bác Vũ Văn Cao- một độc giả quen thuộc của thư viện xã Khánh Thiện cho biết: "Tôi rất mê đọc báo, nhưng gia đình chưa có điều kiện đặt mua đầu báo dài hạn. Từ khi thư viện của xã được thành lập, không chỉ tới thư viện đọc sách, báo, chúng tôi còn được mượn sách, báo về nhà để mọi người trong gia đình cùng đọc. Sau bữa cơm tối, mọi thành viên trong gia đình tôi quây quần trò chuyện. Đứa cháu học lớp 7 được tôi giao nhiệm vụ đọc báo cho cả nhà nghe. Nghe xong, mọi người cùng thảo luận vui vẻ rồi mới "ai về việc nấy". Với tuổi già như tôi, thì đó chính là thời khắc hạnh phúc nhất. Tối nào không được nghe đọc báo, ai cũng cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó". Không chỉ đọc báo cho con, cháu trong nhà, những độc giả tích cực của thư viện còn sẵn sàng chia sẻ thông tin với bà con, làng xóm. Cách mà các bác chia sẻ thông tin cũng khá đặc biệt. Có thể, các bác đọc báo dưới lũy tre, dưới gốc gạo rợp bóng đầu làng…Ban đầu chỉ một, hai người ngồi nghe, sau số lượng cứ tăng lên theo ngày.
Chị Nguyễn Thị Quy, cán bộ phụ trách thư viện cho biết, người nông dân bận rộn quanh năm, chỉ rảnh rang một chút vào thời khắc buổi chiều trong ngày. Bởi vậy, mặc dù mở cửa phục vụ độc giả là vào giờ hành chính, song thư viện vẫn đóng cửa muộn hơn để tạo điều kiện cho nhiều độc giả có thể đến tìm đọc. Đáng mừng là đối tượng đến tham quan và đọc sách báo ở thư viện đã ngày càng chú ý tới việc đọc báo Đảng. Nhiều bạn đọc trẻ tuổi như học sinh, sinh viên, bộ đội về nghỉ… cũng đã tới đọc báo Đảng rất say sưa.
Nguyễn Hùng