Tuy vây, khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Khánh Hòa cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn Tỉnh gặp nhiều khó khăn: Kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, trong khi đồng ruộng bị thu hẹp do dự án đường kết nối cao tốc cầu Giẽ-Ninh Bình với QL1A đi qua; cơ sở hạ tầng đường giao thông còn nhiều tuyến chưa làm; nhà văn hóa ở nhiều xóm chưa có; thu nhập của người dân còn thấp...và rà soát theo bộ tiêu chí Quốc gia xã mới chỉ có 4 tiêu chí đạt là: Bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, hệ thống chính trị, an ninh trật tự.
Đồng chí Vũ Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa cho biết: Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, Khánh Hòa đã huy động được 257.673,5 triệu đồng vào xây dựng nông thôn mới.
Nguồn vốn huy động được đầu tư vào thực hiện các tiêu chí chưa đạt, trong đó: Xã đã tiếp nhận 2.300 tấn xi măng do tỉnh hỗ trợ xây dựng được 185 tuyến đường với tổng chiều dài 16.382m.
Trong lĩnh vực này xã đã vận động nhân dân tháo dỡ 907 m2 tường bao; 27 trụ cổng; 337 m2 nhà bếp, chuồng trại chăn nuôi, công trình phụ, lán tôn; 20 m3 bể nước; hiến 780 m2 đất ở và đất vườn.
Từ năm 2012 đến hết năm 2016, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành... Khánh Hòa đã đầu tư xây dựng 20 phòng học; nâng cấp sửa chữa 12 phòng học của các trường; ngoài ra còn đầu tư, nâng cấp sân chơi, bãi tập của các trường Tiểu học, THCS. Xây dựng thêm 8 nhà văn hóa thôn cùng khu vui chơi giải trí; nâng cấp, sửa chữa 2 nhà văn hóa và khu thể thao trung tâm xã.
Chợ Dầu được đầu tư xây dựng lại trong khuôn viên 2.516 m2 với quy mô 2 đình chợ, 8 ki ốt, 90 quầy hàng, 100 điểm kinh doanh ngoài trời, cùng các công trình phụ trợ...
Về môi trường, xã có bãi tập kết rác thải diện tích 6.000 m2 , hệ thống nước sạch với 99% số hộ sử dụng, 10/10 xóm có đội thu gom rác thải thường xuyên, xây mới 2 nghĩa trang mới quy mô 14.000 m2/nghĩa trang...
Đồng chí Chủ tịch UBND xã cũng cho biết: Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Chương trình XDNTM, nên xã đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện. Trong trồng trọt, xã đã tiến hành thực hiện dồn điền đổi thửa trong tổng diện tích 354,87 ha và từ bình quân 3,5 thửa/hộ, nay còn 1,7 thửa/hộ.
Thành công của công tác này không chỉ tạo điều kiện cho nhân dân thuận lợi trong canh tác, tập trung vào thâm canh, là cơ sở để đưa máy móc ngày càng nhiều vào các khâu sản xuất, trên cơ sở dó mà giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế...mà còn là cơ sở để cho các hộ gia đình có điều kiện, tiểm năng, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm thực hiện chuyển đổi phương thức canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra những vùng sản phẩm tập trung, hàng hóa.
Trong công tác dồn điển đổi thửa, nhân dân đã hiến 10,1 ha đất để làm đường giao thông nội đồng, kênh mương tưới tiêu và đóng góp 2,4 tỷ đồng (bình quân 410.000 đồng /sào) để thực hiện. Đồng ruộng với những ô thửa lớn; máy móc được đưa vào các khâu ngày càng nhiều.
Trên địa bàn xã có 15 máy làm đất, 12 máy gặt đâp liên hoàn. Năng suất lúa của xã đạt bình quân 105 tạ/ha/năm; các cây trồng khác như lạc, đậu, ngô đều cho năng suất cao; gần đây ở vụ đông và vụ hè thu còn đưa cây ngô ngọt vào sản xuất cho giá trị kinh tế cao...
Ước tính tổng giá trị thu được trên 1 ha canh tác năm 2016 là 110 triệu đồng, tăng 23,6 triệu đồng/ha so với năm 2011. Chăn nuôi tiếp tục phát triển và hiện tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn có khoảng 30.000 con; dịch bệnh được khống chế. Giá trị thu được từ chăn nuôi hàng năm đạt 15 tỷ đồng.
UBND xã đã chỉ đạo các ngành đoàn thể tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh và vay vốn ngân hàng để sản xuất. Một số ngành nghề trong xã được duy trì ổn định như: Mộc, cơ khí, xây dựng, vận tải, dịch vụ.
Ngoài ra những năm gần đây với lợi thế gần khu công nghiệp Khánh Phú, Khánh Cư nên nhiều lao động (khoảng 1.300 lao động) trong xã đã được vào làm việc tại các khu công nghiệp với thu nhập cao, ổn định. Trên địa bàn xã hiện có: 11 doanh nghiệp hoạt động, thu hút khoảng 200 lao động; 479 hộ tiểu thủ công; 218 hộ làm nghề xây dựng; 143 hộ tiểu thương; 124 hộ vận tải; 88 hộ làm dịch vụ khác...Nhìn trên bình diện chung có thể thấy kinh tế Khánh Hòa đang ngày càng phát triển với sự đa dạng và nhiều loại hình sản xuất khác nhau.
Đến hết năm 2015, thu nhập bình quân của người dân trong xã đã đạt 29,7 triệu đồng/người/năm, tăng 16,7 triệu đồng so với năm 2011; hộ nghèo năm 2016 (theo tiêu chí đa chiều) còn 1,95%...Đến nay 19/19 tiêu chí của bộ tiêu chí Quốc gia, Khánh Hòa đã hoàn thành và đã được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2016.
Bài học của Khánh Hòa là: XDNTM phải lấy mục tiêu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Xây dựng đề án phải sát, phù hợp với thực tiễn của địa phương và lựa chọn các tiêu chí để thực hiện trong từng thời điểm, từng thời kỳ.
Nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gõ khó khăn, lấy tinh thần thi đua, cạnh tranh làm động lực trong quá trình XDNTM. Phát huy tối đa nội lực, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. Thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cộng đồng dân cư; công khai, minh bạch từ chủ trương, đường lối đến biện pháp, giải pháp và tổ chức thực hiện các hạng mục công trình trong XDNTM.
Trường Sinh