Đồng chí Đoàn Thanh Hải, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Nhằm phát huy vai trò hạt nhân chính trị trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ của ngành, Chi ủy Chi bộ Sở Thông tin và Truyền thông đã tập trung cao cho công tác xây dựng Đảng gắn với đổi mới công tác chuyên môn, sát với thực tiễn. Trong lãnh đạo, Chi ủy luôn đề cao nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Hàng năm, căn cứ vào nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền Thông, UBND tỉnh, Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh giao, Chi bộ đều xây dựng nghị quyết để lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ chính trị, đảm bảo đúng, trúng.
"Đặc biệt, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về công nghệ thông tin, Chi ủy, Ban Giám đốc Sở xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhất là trong bối cảnh chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mọi ngành đều bị tác động mạnh mẽ bởi CNTT. Vì vậy, Chi bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; yêu cầu mỗi cán bộ, nhân viên phải chủ động, sáng tạo, tích cực học tập nâng cao trình độ, làm chủ công nghệ thông tin. Quá trình chỉ đạo bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, phát huy vai trò trách nhiệm của từng cấp ủy viên, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ"- đồng chí Bí thư chi bộ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Để nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho tỉnh về lĩnh vực CNTT, Chi ủy, Ban Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông đã quan tâm tạo điều kiện để cán bộ chuyên trách về CNTT được học tập, nâng cao trình độ quản lý, trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT trong xử lý công việc cho cán bộ, công chức, viên chức. Đội ngũ lãnh đạo Sở cũng là những người chủ động, đi đầu ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành và trao đổi thông tin; triệt để ứng dụng chữ ký số trong việc gửi, nhận hồ sơ văn bản điện tử trên hệ thống văn bản quản lý và điều hành.
Trên cơ sở chủ trương, Nghị quyết của Chi bộ về công tác tham mưu cho tỉnh chỉ đạo việc ứng dụng CNTT, Ban Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông triển khai bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể. Trong 5 năm qua, quán triệt các nội dung cơ bản Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế", Sở Thông tin và Truyền thông đã làm tốt công tác tham mưu, giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện; tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Ninh Bình, góp phần đưa Nghị quyết 36 sớm đi vào cuộc sống.
Đến nay, với sự tham gia tích cực của Sở Thông tin và Truyền thông, việc ứng dụng, phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển mạnh mẽ. Nổi bật là hạ tầng kỹ thuật CNTT trong các cơ quan nhà nước đã từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh đã triển khai cho 20 sở, ban, ngành, 8 UBND cấp huyện, 100% đơn vị cấp xã với tổng số 2.109 thủ tục hành chính và đã được đồng bộ, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần giảm phiền hà, sách nhiễu, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp khi giao dịch, đồng thời làm cho bộ máy chính quyền chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được triển khai từ tỉnh tới 100% huyện, thành phố và đơn vị cấp xã với 164 điểm cầu, giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành được nhanh chóng, kịp thời, nhất là trong chỉ đạo phòng, chống lụt bão, thiên tai, dịch bệnh. Năm 2018, theo kết quả xếp hạng tổng thể mức độ ứng dụng CNTT, Ninh Bình được xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 34 bậc so với năm 2017. Trong đó, tiêu chí về chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 28 bậc so với năm 2017.
Nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT, hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nội vụ mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng, sử dụng CNTT cho cán bộ, CCVC trong các cơ quan, đơn vị. 5 năm qua, Sở đã tổ chức 35 lớp tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng ứng dụng CNTT cho 922 học viên; tổ chức 6 khóa thi và cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT cơ bản cho 567 người. Hiện nay, đa số cán bộ, CCVC trong các cơ quan nhà nước đã qua đào tạo bồi dưỡng cơ bản về ứng dụng CNTT, biết sử dụng máy tính trong công việc. Các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đã quan tâm bố trí cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm về công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông cũng quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng CNTT, góp phần phát triển lĩnh vực thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin được chú trọng, đảm bảo các hệ thống thông tin trọng yếu, dùng chung của tỉnh hoạt động thông suốt.
Làm tốt công tác tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về CNTT đã giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ hành chính. Điều này cũng khẳng định được vai trò lãnh đạo của cấp ủy Sở Thông tin và Truyền thông trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, xứng đáng là hạt nhân chính trị ở cơ sở.
Mai Lan