Có mặt tại cánh đồng thôn Phú Cường, xã Đức Long, nơi có diện tích làm lúa tái sinh khá lớn của huyện Nho Quan, hàng trăm nông dân đang hối hả gặt lúa. Chị Nguyễn Thị Ngượi cho biết: Gia đình tôi có 5 sào ruộng làm lúa tái sinh, vừa lúc lúa chín thì nghe có bão về nên sáng sớm nay, hay vợ chồng nhờ thêm 3 công gặt nữa tranh thủ thu hoạch cho xong. Mọi năm lúa tái sinh bị sâu đục thân nhiều nên năng suất thấp nhưng năm nay thời tiết thuận, mưa đều nên năng suất cũng khá, chừng 80-90 kg/sào.
Cũng như gia đình chị Ngượi, gia đình ông Đinh Văn Chuyền, đội 6, Đức Long chia sẻ: "Cả năm trồng cây, một ngày hái quả, làm nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết lắm, không gặt nhanh mưa lụt về cuốn trôi hết lúa. Gia đình tôi có 9 sào lúa trong đồng và 5 sào lúa tái sinh ngoài đê, vừa cấy xong lúa mùa trong đồng, chưa kịp chăm sóc lúa mùa, nay bão về phải tranh thủ thu hoạch lúa tái sinh trước rồi đợi khi bão tan mới chăm bón cho diện tích lúa mùa trong đồng. Vụ này lúa tái sinh được mùa, năng suất trung bình ngót 1 tạ/sào".
Trao đổi với đồng chí Quách Nho Đĩnh, Chủ nhiệm HTX Đức Long được biết: HTX có trên 500 ha đất nông nghiệp thì có 270 ha nằm ngoài đê chỉ sản xuất được một vụ. 5 năm trở lại đây, thực hiện chủ trương sản xuất lúa tái sinh, HTX đã hướng dẫn bà con lựa chọn các giống lúa phù hợp, đồng thời hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm bón, nhờ vậy bà con có thêm một vụ thu hoạch nữa, góp phần nâng cao thu nhập.
Năm nay thời tiết thuận lợi nên lúa tái sinh phát triển tốt, bà con rất phấn khởi, năng suất trung bình đạt 80-90 kg/sào. Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 2, HTX đang hướng dẫn bà con tập trung khơi thông dòng chảy, tiêu úng nội đồng đảm bảo an toàn cho 250 ha lúa mùa mới cấy, đồng thời thu hoạch nhanh gọn toàn bộ diện tích lúa tái sinh.
Theo số liệu báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp & PTNT, đến nay các địa phương đã gieo cấy được trên 90% diện tích lúa mùa nhưng đa phần lúa đang trong giai đoạn bén rễ hồi xanh, chưa tăng trưởng chiều cao. Để chủ động ứng phó và đảm bảo có các phương án hạn chế tối đa tình trạng úng ngập gây chết lúa sau cấy, Sở Nông nghiệp &PTNT yêu cầu các địa phương khẩn trương tập trung chỉ đạo khoanh vùng các điểm có nguy cơ ngập úng cao để có phương án xử lý nhanh, tiêu úng kịp thời. Chủ động tiêu cạn nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng, giữ nước nông mặt ruộng. Huy động các lực lượng khơi thông cửa các cống tiêu và giải phóng dòng chảy, thu dọn đăng đó, vó bè trước khi có mưa lớn xảy ra do hoàn lưu bão, đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng. Bảo vệ diện tích mạ còn lại và mạ dự phòng, đồng thời chuẩn bị đủ cơ số hạt giống với các giống lúa cực ngắn ngày, ngắn ngày cho phương án phải gieo cấy lại.
Ông Trần Đình Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.000 ha lúa tái sinh đang trong giai đoạn cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn và thị xã Tam Điệp. Do đã lường trước được diễn biến của thời tiết nên bà con nông dân đã chủ động thu hoạch sớm, đến thời điểm này đã gặt được trên 70% diện tích. Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 2, Sở Nông nghiệp & PTNT đang chỉ đạo các địa phương có lúa tái sinh tiếp tục đốc thúc bà con tranh thủ mọi thời gian và lực lượng để thu hoạch.
Đối với những diện tích lúa mùa mới cấy cần chủ động tiêu cạn nước đệm, giữ nông mặt ruộng, hạn chế tình trạng ngập úng gây chết lúa. Đồng thời ngừng ngay việc gieo cấy, bảo vệ diện tích mạ còn lại đợi khi bão tan mới tiến hành gieo cấy lại, đảm bảo kịp thời vụ. Sở cũng đã phân công cán bộ kỹ thuật bám sát tình hình sản xuất, diễn biến mưa bão, tổng hợp tình hình, kịp thời ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết nhằm giải thiểu tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra.
Hà Phương