Khẩn trương khắc phục ảnh hưởng của mưa úng trên cây trồng vụ đông
Thứ Sáu, 16/10/2020, 03:28
Zalo
Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây màu vụ đông cũng như tiến độ gieo trồng cây vụ đông ưa lạnh.
Khẩn trương khắc phục ảnh hưởng của mưa úng trên cây trồng vụ đông
Sáng 16/10, trên cánh đồng màu của HTX Đông Mai, những ruộng bí xanh, dưa chuột, cà chua nước đã ngập đến nửa giàn. Trời ngớt mưa, bà con nông dân nhanh chóng kéo nhau ra đồng tìm cách bơm, tát nước, cứu vãn vốn liếng, thành quả lao động của mình.
Anh Đặng Văn Nhiên, xóm Hà Đông, thôn Đông Mai, xã Khánh Hải cho biết: Nông dân chúng tôi như ngồi trên đống lửa, 5 sào bí xanh, 2 sào rau dưa của gia đình đều đang chuẩn bị cho thu hoạch thì bị ngập. Nếu không sớm rút được nước, để ngâm một ngày nữa là hỏng hết. Toàn bộ giống rau dưa của tôi là các giống mới, cao cấp, vốn bỏ ra cả mấy chục triệu. Từ sáng tới giờ tôi phải dùng máy bơm điện của gia đình để bơm nước ra nhưng do công suất nhỏ nên nước rút chậm lắm.
Ở cùng xóm với anh Nhiên, ông Đặng Văn Thành cũng có 1,5 mẫu cà chua, dưa chuột, rau dưa đang bị ngập sâu trong nước. Tuy nhiên, ông Thành chỉ biết khoanh tay đứng nhìn vì ruộng nhà ông không thể khoanh vùng bơm nước ra như nhà anh Nhiên. "Nước bão hòa rồi, đồng trên đồng dưới mực nước ngang nhau, bơm chẳng có tác dụng gì", ông Thành xót xa nói.
Theo bà Nguyễn Thanh Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hải thì trước cơn bão số 7, xã đã hướng dẫn các HTX chủ động tập trung khơi thông dòng chảy, đồng thời tháo kiệt nước trong đồng. Tuy nhiên, do lượng mưa quá lớn nhất là trận mưa đêm ngày 15/10 đã khiến 30/100 ha cây trồng vụ đông của xã bị ngập nặng và dự tính là sẽ mất trắng. Hiện xã đang hướng dẫn bà con tranh thủ thu hoạch nhanh gọn với những diện tích rau màu có thể thu hoạch được. Với những diện tích bị ngập nhẹ thì tiếp tục bám đồng nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy tiêu úng và thực hiện các biện pháp chăm sóc phục hồi.
Là đơn vị có truyền thống thâm canh rau màu của huyện Yên Mô, mỗi năm, HTX Yên Lại, xã Yên Từ gieo trồng tới hơn 50 ha rau, củ, quả các loại. Tuy nhiên, những ngày qua, do mưa lớn kéo dài đã làm nhiều diện tích cây trồng ở đây bị ngập úng, thiệt hại đáng kể.
Bà Lê Thị Hoa, thôn Yên Lại vừa dùng chậu tát nước cho ruộng bí xanh đang thì ra hoa vừa chia sẻ với chúng tôi: Ngay từ khi lúa đỏ đuôi, gia đình đã rẽ lúa trồng 4 sào bí xanh, ngoài ra còn trồng ngô, rau các loại với tổng diện tích gần 1 mẫu. Những ngày qua, mưa lớn nên nước không tiêu thoát kịp, bí có hiện tượng héo, thối. Xác định 1 vụ đông bằng 3 vụ lúa nên dù khó khăn do thời tiết, gia đình tôi vẫn quyết tâm gieo trồng lại bằng các loại rau màu khác để nâng cao thu nhập.
Nhiều ruộng hoa màu của nông dân xã Yên Từ bị ngập úng.
Không chỉ riêng gia đình bà Hoa, nhiều nông dân khác ở HTX Yên Lại cũng đang chủ động bám sát đồng ruộng, tranh thủ thời tiết tạnh ráo ra đồng khắc phục diện tích cây vụ đông bị ảnh hưởng.
Ông Trần Xuân Nhắc, Giám đốc HTX Yên Lại cho biết: Do hệ thống trạm bơm Cống Hổ chưa hoàn thành nên khoảng 20 ha bí xanh, rau màu ở khu đồng Mắm, Bồ Đề đang bị ngập úng. Hiện HTX đang tập trung tiêu nước qua các cống dưới đê, hy vọng trời không tiếp tục mưa.
Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, tính tại thời điểm trước khi cơn bão số 7 đổ bộ, toàn tỉnh đã gieo trồng được trên 2.100 ha cây màu vụ đông, trong đó ngô là gần 850 ha, lạc trên 180 ha, khoai lang 100 ha, đậu tương 23 ha, bí xanh gần 240 ha, rau đậu các loại là 755 ha. Tuy nhiên, từ ngày 14/10 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn đã khiến một số diện tích cây vụ đông ở các địa phương bị ngập úng cục bộ.
Trước diễn biến thời tiết còn phức tạp, Sở đã đề nghị các địa phương huy động nhân dân bằng mọi biện pháp khơi thông dòng chảy, xẻ đường thoát nước mặt ruộng và xung quanh ruộng rau màu để tiêu nước, không để nước ngập gốc cây và đọng trên mặt luống.
Đối với diện tích rau màu mới trồng, cần kiểm tra mức độ thối của cây giống; thu gom các cây bị thối để tránh lây lan; chăm sóc kịp thời bằng cách phá váng nhẹ mặt luống, tưới hoặc phun các loại phân siêu lân và chất kích thích ra rễ kết hợp với việc trồng dặm bảo đảm mật độ, phun thuốc phòng các loại bệnh héo xanh, lở cổ rễ… Tuyên truyền để nông dân tận dụng đất đai, quay vòng tăng vụ gieo trên diện tích rau sớm đã thu hoạch và đất trống.
Hiện nay, cán bộ kỹ thuật ngành Nông nghiệp đang bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc cây màu vụ đông, khắc phục hậu quả sau mưa úng phù hợp với từng đối tượng cây trồng.