Hiện nay, có một thực tế là doanh nghiệp ghi mức lương trong hợp đồng thấp hơn mức lương thực trả cho người lao động để số tiền nộp BHXH ít đi; nhiều doanh nghiệp không thực hiện chế độ nâng lương thường xuyên để trốn đóng BHXH; mức lương đăng ký tham gia BHXH chưa đúng với công việc người lao động đảm trách hoặc đóng thiếu đối với người lao động đã qua đào tạo nghề và những người làm công việc nặng nhọc, độc hại… Điều này đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, mức độ vi phạm pháp luật về đóng BHXH không chỉ dừng lại ở hiện tượng đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH hay đóng không đúng mức quy định mà còn nợ dây dưa kéo dài tiền đóng BHXH, thậm chí có doanh nghiệp đã trích thu tiền BHXH của người lao động nhưng lại không đóng BHXH cho họ. Theo số liệu của ngành BHXH, đến ngày 30-6-2012, trên địa bàn tỉnh các doanh nghiệp còn nợ BHXH trên 64 tỷ 255 triệu đồng; trong đó doanh nghiệp nhà nước nợ 9 tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nợ hơn 4 tỷ đồng và doanh nghiệp ngoài quốc doanh 51 tỷ đồng. Nguyên nhân của tình trạng các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đóng BHXH là việc đóng BHXH không đúng mức quy định, nợ tiền BHXH với số lượng lớn là do một số đơn vị, doanh nghiệp làm ăn gặp nhiều khó khăn, làm ăn thua lỗ. Bên cạnh đó, nhận thức về chính sách BHXH của một số chủ sử dụng lao động còn hạn chế, họ chưa hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình khi tham gia BHXH cho người lao động; lợi dụng việc thực thi pháp luật chưa nghiêm để vi phạm. Ngoài ra, nhận thức của một số lao động còn hạn chế, chưa hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình khi tham gia BHXH. Một số khác vì áp lực công ăn, việc làm, thu nhập nên chỉ tính toán lợi ích trước mắt không muốn tham gia BHXH hoặc không dám đấu tranh đòi người sử dụng lao động đóng BHXH cho mình. Về phía cơ quan BHXH chưa thật sự làm tốt công tác tuyên truyền để người sử dụng lao động và người lao động hiểu rõ quyền và lợi ích của mình khi tham gia BHXH. Việc phối hợp thực hiện Luật BHXH với các cơ quan có liên quan hiệu quả chưa cao. Việc đào tạo, tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên về lĩnh vực BHXH chưa được thường xuyên. Công tác điều tra, khảo sát nắm địa bàn, đơn vị sử dụng lao động để vận động đối tượng tham gia BHXH, thu hồi tiền nợ đọng của cán bộ chuyên quản thu BHXH chưa thường xuyên và quyết liệt...
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp trốn đóng BHXH, chiếm dụng tiền quỹ BHXH không những làm ảnh hưởng đến sự cân đối của quỹ BHXH mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Để khắc phục tình trạng đóng BHXH không đúng mức quy định và nợ BHXH kéo dài, cơ quan BHXH cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH nhằm làm chuyển biến nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động khi tham gia BHXH. Bên cạnh việc tuyên truyền về bản chất nhân văn, nhân đạo của chính sách BHXH, cần phổ biến rộng rãi các chế tài xử phạt vi phạm pháp luật lao động và vi phạm các quy định về Luật BHXH. Cán bộ BHXH cần dành nhiều thời gian đi cơ sở để nắm bắt những vướng mắc, phối hợp chặt chẽ, kịp thời với doanh nghiệp trong việc đóng BHXH cho người lao động. Các đơn vị sử dụng lao động cần hiểu rõ trách nhiệm của mình với cộng đồng, với người lao động để thực hiện tốt việc đóng BHXH cho người lao động; có thái độ hợp tác tích cực với cơ quan BHXH trong việc kê khai, đăng ký tham gia đúng thời gian, đủ số lao động, đóng BHXH cho người lao động đúng mức lương thực tế trả cho người lao động. Người lao động cũng cần nắm vững chính sách BHXH để hiểu rõ quyền lợi của mình, tham gia giám sát việc thực hiện BHXH của chủ sử dụng lao động, yêu cầu doanh nghiệp đóng BHXH cho mình theo đúng mức lương được trả và đúng thời gian quy định. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BHXH, tổ chức giám sát thực hiện chính sách BHXH chặt chẽ hơn. Củng cố, tăng cường hoạt động tổ chức công đoàn các cấp nhằm đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Trần Dũng