Điểm sáng về đích sớm
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thành phố Tam Điệp có 4 xã triển khai. Tuy nhiên, xuất phát điểm của các xã này khá thấp. Nhận diện rõ những khó khăn, thuận lợi, để tạo phong trào xây dựng NTM trong toàn thành phố, lãnh đạo thành phố đã khởi đầu bằng việc chọn xã Yên Bình, đơn vị được đánh giá là khá nhất với 4 tiêu chí đã đạt để xây dựng điểm.
Vào những năm 2010, 2011, đến xã Yên Bình là phải đi trên những con đường chật hẹp và gồ ghề. Nhà cửa, hệ thống công trình hạ tầng cơ sở khá khiêm tốn. Nhưng giờ đây, chỉ sau gần 5 năm triển khai xây dựng NTM, những con đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, nhựa hóa và mở rộng, trở thành điểm nhấn quan trọng trong bức tranh đầy sức sống của làng quê tiếp giáp đô thị.
Cách làm NTM của Yên Bình khá bài bản với việc xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm cho từng bộ phận, thành viên trong Ban chỉ đạo, Ban quản lý từ xã đến thôn. Việc huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư cũng được chú trọng, khai thác tối đa các nguồn thu ở địa phương nhằm "lấy sức dân để lo cho dân".
Đồng chí Nguyễn Văn Cúc, Chủ tịch UBND xã Yên Bình cho biết: Nắm bắt thời cơ và sự quan tâm của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tích cực tham gia xây dựng NTM.
Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", phát huy quy chế dân chủ, các thôn, xóm đã tích cực vận động nhân dân tham gia góp tiền, công để hoàn thiện các tuyến đường trục thôn, đường ngõ, xóm, đường nội đồng… giúp cho việc đi lại, sản xuất của người dân được thuận tiện. Bên cạnh đó hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cũng được Yên Bình chú trọng đầu tư.
Trong 4 năm (từ 2011-2014), bằng nguồn ngân sách Nhà nước, nhân dân và các tổ chức, cá nhân ủng hộ, đóng góp, xã đã đầu tư gần 110 tỷ đồng xây dựng NTM. Cùng với việc quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Yên Bình còn đặc biệt chú trọng vào tiêu chí tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo đó, các đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh… đã đứng ra tín chấp với các ngân hàng để giúp hội viên, đoàn viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, triển khai các mô hình kinh tế... Xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chuyển đổi 5 ha lúa mùa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản; phát triển 4 mô hình kinh tế trang trại, 7 gia trại....
Đã xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Với cách làm này, đến tháng 8-2014 Yên Bình đã về đích, được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM.
Phấn đấu mỗi năm có 1 xã đạt chuẩn NTM
Không chỉ xây dựng xã điểm Yên Bình đáp ứng đầy đủ 19 tiêu chí về NTM thành công mà hiện nay kết quả xây dựng NTM trên toàn địa bàn thành phố Tam Điệp cũng đã đạt được những kết quả khá toàn diện. Qua 5 năm, thành phố đã huy động được hơn 337 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM, trong đó vốn trực tiếp từ ngân sách Nhà nước là gần 162 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp trên 33 tỷ đồng, còn lại là vốn từ các nguồn khác. Bộ mặt nông thôn Tam Điệp đã có sự thay đổi căn bản.
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt của cư dân nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng. Có trên 44 km đường trục xã, đường thôn, xóm đã được bê tông hóa; hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng cơ bản được cải tạo kiên cố; nhiều phòng học được đầu tư xây mới, mua sắm thêm trang thiết bị…
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thành phố đã tập trung chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi 430 ha đất cấy lúa vụ mùa cho năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản; triển khai nhân rộng các mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như trồng chuối tiêu hồng, hoa ly, bưởi diễn…
Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trung bình ở các xã giảm xuống còn 3,3%, thu nhập bình quân của người dân đạt 24,8 triệu đồng/người/năm (tăng 12,7 triệu đồng/người/năm so với năm 2011).
Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM, thành phố Tam Điệp có 4 xã thực hiện xây dựng NTM thì đến nay đã có 1 xã đạt chuẩn là xã Yên Bình, 3 xã còn lại đạt từ 10-12 tiêu chí.
Những kết quả mà Tam Điệp đạt được trong tiến trình xây dựng NTM 5 năm qua là rất đáng ghi nhận, song nếu so với tiềm năng thì chưa tương xứng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn chưa đồng bộ. Tiến độ triển khai một số công trình, dự án đầu tư phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn còn chậm.
Việc dồn điền, đổi thửa và chỉnh trang đồng ruộng chưa làm được nhiều, nông nghiệp mặc dù có tăng trưởng nhưng chưa bền vững, tính cạnh tranh của các sản phẩm chưa cao; tập quán sản xuất nhỏ và lạc hậu vẫn còn tồn tại.
Một số nơi chưa coi trọng việc phát triển sản xuất, chưa có nhiều mô hình sản xuất để học tập và khi có mô hình rồi thì việc nhân rộng còn chậm. Đến nay giá trị kinh tế trên 1 ha canh tác của Tam Điệp mới chỉ dừng ở con số 68 triệu đồng/ha, là điều đáng suy ngẫm.
Khắc phục những khó khăn, tồn tại trên, thời gian tới thành phố Tam Điệp sẽ tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Phấn đấu mỗi năm có 1 xã đạt chuẩn NTM và hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2018. Để đạt được mục tiêu trên, thành phố xác định sẽ tập trung vào việc xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt như: nước sạch, đường giao thông, thủy lợi.
Tiếp tục hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa, đáp ứng yêu cầu về các vùng sản xuất tập trung. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị canh tác trên đất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn. Tranh thủ mọi nguồn lực của Nhà nước, huy động nguồn lực của địa phương thông qua các chương trình lồng ghép, các nguồn hỗ trợ về sản xuất để phát triển kinh tế-xã hội.
Hà Phương