Trên cơ sở Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và điều kiện thực tế địa phương, năm 2016 huyện Yên Khánh đã xây dựng và triển khai kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp với mục tiêu chính là phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở đổi mới sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất an toàn, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Để đạt mục tiêu đó, Yên Khánh đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch tái cơ cấu của đơn vị mình và xác định rõ cây, con chủ lực của mỗi địa phương.
Đồng thời tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân và địa phương để xây dựng các mô hình sản xuất điểm, mô hình mẫu có ứng dụng công nghệ cao, có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó nhân ra diện rộng.
Tại một số xã, các mô hình điểm đã cho kết quả bước đầu, giúp nông dân nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Điển hình như tại xã Khánh Thành là một trong hai xã được tỉnh chọn thực hiện thí điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp về sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm. Với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các đơn vị và sự liên kết của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, địa phương đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn.
Hiện nay Khánh Thành có 3 vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap với quy mô diện tích 130 ha tại HTX nông nghiệp Đại Thành và Đồng Xuân Tiến, sử dụng các giống lúa chất lượng cao LT2, Bắc Thơm số 7. Toàn bộ sản phẩm được Công ty cổ phần Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Lúa sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn, chi phí sản xuất giảm mà năng suất tăng, giá thu mua của Công ty cũng cao hơn giá thị trường.
Như vậy với cách sản xuất lúa theo hướng VietGap, người nông dân có hiệu quả cao hơn và tạo ra hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khánh Thành cũng đã được đầu tư hệ thống nhà lưới với tổng diện tích trên 1.000m2 để phát triển sản xuất rau an toàn. Hiện nay hệ thống nhà lưới đang phát huy hiệu quả trong sản xuất giúp Khánh Thành hướng tới chứng nhận vùng rau VietGap tập trung, quy mô trên 10 ha và mở rộng diện tích sản xuất rau ra các vùng xung quanh.
Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Khánh Thành cho biết: Nhờ thực hiện quy trình sản xuất rau an toàn với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, người nông dân có sự thay đổi nhận thức và phương pháp sản xuất. Không sản xuất theo ý thích như trước nữa, hiện nay bà con nông dân đã đi vào quy trình sản xuất an toàn, tập trung có quy mô lớn, đảm bảo đầu ra ổn định và hiệu quả kinh tế cao.
Tại xã Khánh Hồng, đơn vị làm điểm tái cơ cấu của huyện Yên Khánh, sản xuất nông nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Trong sản xuất lúa, 100% diện tích ở vụ xuân được gieo thẳng với các giống lúa chất lượng cao.
Cùng với đó, Khánh Hồng đang hình thành các mô hình sản xuất mới có áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ như: Dự án sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với hệ thống nhà lưới quy mô 1 ha có lắp đặt hệ thống bơm tưới tự động để sản xuất các loại rau, củ, quả an toàn; mô hình trồng khoai tây Đức trên diện tích 25 ha...
Theo ông Đỗ Quang An, Chủ tịch UBND xã Khánh Hồng: Việc triển khai thành công mô hình mẫu, mô hình áp dụng công nghệ cao sẽ là cơ sở để Khánh Hồng tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm và phát triển bền vững.
Cùng với xây dựng các mô hình mẫu, Yên Khánh đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng địa phương và nhu cầu thị trường. Toàn huyện đã chuyển đổi gần 49 ha đất trồng lúa sang trồng cây có giá trị và nuôi trồng thủy sản. áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản.
Hiện nay trên địa bàn có 54 trang trại chăn nuôi, nhiều mô hình nuôi thủy sản và mô hình trồng các loại cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao cho thu nhập từ 100-150 triệu đồng/ha: mô hình trồng hành lá xuất khẩu tại
Đồng Tiến, Khánh Nhạc; mô hình trồng cải bó xôi tại Khánh Mậu; mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu, măng tây, lê, ổi tại xã Khánh Trung, Khánh Thành...
Các địa phương cũng đã đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất với nhiều loại máy như: máy làm đất, máy phun thuốc trừ sâu, máy gặt, máy sấy, máy thu gom rơm rạ...
Hiện nay, 100% các HTX nông nghiệp đã tổ chức hoạt động dịch vụ làm đất bằng các loại máy công suất nhỏ và vừa, 90% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Nhờ cơ giới hóa trong sản xuất đã đẩy nhanh tiến độ từ gieo trồng đến thu hoạch, giảm công lao động, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Công tác xúc tiến thương mại và phát triển thị trường được Yên Khánh quan tâm thực hiện. Các HTX đã chủ động liên doanh với các công ty triển khai sản xuất lúa giống và tổ chức bao tiêu sản phẩm giống lúa thương phẩm với diện tích trên 300 ha.
Đồng thời ký hợp đồng liên doanh liên kết với các công ty để sản xuất và tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện như: Công ty cổ phần Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình; Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Công ty cổ phần An Việt; Công ty Việt Xanh, An Việt, Công ty á Châu, Công ty Hải Dương...
Ông Phạm Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết: Yên Khánh là huyện nông nghiệp, vì thế việc thực hiện thành công đề án tái cơ cấu rất quan trọng. Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Yên Khánh tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản có ứng dụng công nghệ cao...
Tập trung triển khai quy hoạch phát triển các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, mô hình VAC, các mô hình nhà lưới, chăn nuôi đảm bảo vệ sinh ATTP. Tăng cường phối hợp liên kết phát triển thị trường tiêu dùng nội địa, tập trung vào thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận đối với các sản phẩm: rau an toàn, gia súc, gia cầm, thủy sản, cây ăn quả đặc sản.
Hồng Giang