Chương trình kết nối Ngân hàng với doanh nghiệp là cơ hội để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận vốn ngân hàng, đồng thời là dịp để ngân hàng nhận diện cụ thể những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tiếp tục làm ăn có lãi, thì ngân hàng cũng khơi thông được vốn tín dụng, đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng của ngành.
Tuy nhiên, để chương trình thực sự đi vào chiều sâu, đáp ứng nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp thì không chỉ có sự nỗ lực từ phía ngành ngân hàng mà rất cần có sự nhập cuộc mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền địa phương với vai trò cầu nối và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc từ hai phía.
Nhận diện những khó khăn
Ông Bùi Cao Thơi, Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình khẳng định: Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đang gặp khó khăn do nhiều yếu tố khách quan như hiện nay, chương trình kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã góp phần khơi thông dòng vốn tín dụng. Hiện tại Ngân hàng không thiếu vốn và đang tích cực tìm kiếm khách hàng. Tất cả những tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn sẽ được giải quyết nếu đủ điều kiện.
Tuy nhiên, hiện nay khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp không phải là thiếu vốn mà "sức khỏe" của các doanh nghiệp không đủ để hấp thụ vốn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn trong tiếp cận vốn vay của các tổ chức tín dụng phần lớn là do không đáp ứng được các điều kiện vay vốn như: dự án, phương án sản xuất kinh doanh không khả thi, không hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện được hưởng lãi suất ưu đãi.
Cùng với đó là những khó khăn nội tại từ phía doanh nghiệp như trình độ quản lý, nhất là của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế nên việc lập dự án vay vốn ngân hàng, lập dự toán thu chi trong kỳ kinh doanh còn nhiều sai sót, không đáp ứng được các quy định của ngân hàng khi làm thủ tục vay vốn; tài sản đảm bảo, tài sản hình thành từ vốn vay có giá trị thấp. Một nguyên nhân nữa khiến ngân hàng khó ra quyết định giải ngân vốn tín dụng là thông tin về tài chính doanh nghiệp còn thiếu minh bạch và có độ tin cậy thấp.
Ninh Bình là tỉnh không lớn, trong khi đó số lượng các ngân hàng thương mại lại tương đối nhiều, do đó việc mở rộng cho vay, tìm kiếm khách hàng của các ngân hàng gặp khó khăn. Theo đánh giá của ông Phạm Ngọc ánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh: Trong điều kiện nguồn vốn khá dồi dào, bản thân các NHTM, NHHTX cũng rất muốn tìm kiếm được các khách hàng tốt để đầu tư cho vay. Tuy nhiên, số dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, có nhu cầu vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp không nhiều. Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản đảm bảo tiền vay khi doanh nghiệp không trả được nợ cho ngân hàng gặp nhiều khó khăn.
Xóa dần những khoảng cách
Lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương Ninh Bình chia sẻ: Để thực hiện chương trình kết nối có hiệu quả thì Ngân hàng phải chủ động đưa nội dung chương trình này vào kế hoạch hành động hàng năm của mình. Mặt khác, ngân hàng chủ động liên hệ kết nối với chính quyền địa phương, đồng thời có sự phối hợp với các sở, ban, ngành để triển khai nhanh, đánh giá nhu cầu vốn để cung ứng kịp thời. Tuy nhiên, để hỗ trợ ngân hàng và doanh nghiệp, chính quyền địa phương cần đẩy nhanh hơn thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động ngân hàng như xử lý tài sản thế chấp, công chứng…
Để đáp ứng đủ nguồn vốn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tiếp tục chủ động tìm kiếm, tiếp cận doanh nghiệp để nhận dạng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó xem xét, thẩm định và cho vay vốn, hoặc điều chỉnh giảm lãi suất, hoặc điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng... nhằm đáp ứng nhu cầu vốn hợp lý cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và đảm bảo tăng trưởng tín dụng hiệu quả, an toàn. Đẩy mạnh cho vay với lãi suất ưu đãi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và các chính sách tín dụng ưu đãi khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về vốn, tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất hợp lý để duy trì hoạt động, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Các TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm túc quy định của NHNN Việt Nam và của TCTD cấp trên về lãi suất cho vay. Đồng thời tiết kiệm chi phí để từng bước giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý, nhằm mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Công khai minh bạch các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, mà trước hết là các quy định về đầu tư tín dụng từ tiếp nhận, thẩm định, thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng và trả lời khách hàng bằng văn bản lý do từ chối cho vay theo quy định của NHNN.
Giám sát, kiểm tra đối với các khoản vay các NHTM đã ký kết hỗ trợ vốn vay (cho vay mới, điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng...) phải được giải ngân và thực hiện theo đúng cam kết, trừ trường hợp khách hàng sử dụng vốn sai mục đích hoặc không còn nhu cầu vay.
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn
Tại hội nghị kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, đồng chí Đinh Quốc Trị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng: Nhà nước chỉ đóng vai trò kết nối chứ không thể làm thay ngân hàng cũng như doanh nghiệp. Trách nhiệm của ngân hàng là phải tìm kiếm xác định đúng đối tượng để cung ứng dòng vốn. Ngược lại doanh nghiệp cũng phải tự xem xét không đầu tư dàn trải và phải cơ cấu lại các dự án của mình để sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Quan trọng nhất trong triển khai mô hình này là làm sao các giải pháp của ngân hàng phải thiết thực, đi sâu đi sát tới khách hàng chứ không chỉ ở hình thức.
Theo ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh: Để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp như: chủ động tiếp cận để nhận dạng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó xem xét thẩm định cho vay vốn hoặc điều chỉnh giảm lãi suất, tăng hạn mức tín dụng… nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và đảm bảo tăng trưởng tín dụng hiệu quả, an toàn cho ngành ngân hàng
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Minh Khôi cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tạo điều kiện cung cấp các kiến thức và thông tin cần thiết cho các doanh nghiệp, nhất là về kinh tế thị trường, về hội nhập kinh tế quốc tế; trợ giúp các doanh nghiệp trong việc tư vấn kỹ thuật và tiếp cận công nghệ, trang thiết bị mới, đòa tạo về vận hành, quản lý kỹ thuật và quản lý doanh nghiệp... Có các chính sách trợ giúp đối với doanh nghiệp, ngoài chính sách hỗ trợ về lãi suất cần có các chính sách kích cầu, ưu đãi thuế, đào tạo nhân lực nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp. Đồng thời có các giải pháp trọng yếu phát triển thị trường vốn cùng với nguồn vốn ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bố trí nguồn vốn để thanh toán cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản khi DN đã hoàn thành các công trình thi công, xây dựng có vốn ngân sách nhà nước.
Để thực hiện tốt các chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn với lãi suất ưu đãi và thời hạn từ 6 tháng trở lên, thông qua ngân hàng, để cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Phát triển lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp nhằm giảm bớt tổn thất trong lĩnh vực nhiều rủi ro này, giúp cho ngân hàng yên tâm khi đầu tư tín dụng.
Đối với UBND tỉnh và các sở, ngành của Tỉnh, đề nghị có chính sách hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, vật liệu xây dựng... Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có điều kiện thế chấp để vay vốn tín dụng ngân hàng. Hỗ trợ ngân hàng trong việc công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch đảm bảo. Phối hợp chặt chẽ với ngân hàng xử lý nợ xấu, đặc biệt là việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay của các doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ ngân hàng; đồng thời có kế hoạch đẩy nhanh việc thi hành án...
Các sở, ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường vai trò hướng dẫn, tư vấn cho các doanh nghiệp về định hướng đầu tư, về qui mô phát triển phù hợp năng lực tài chính và khả năng quản lý của doanh nghiệp; quan tâm hơn nữa đến công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chế biến, công tác xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp có các biện pháp thiết thực, phù hợp để trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng lực quản trị, kinh doanh và khả năng xây dựng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.
Đối với các doanh nghiệp, bên cạnh sự trợ giúp của Chính phủ, của ngân hàng và của các sở, ngành, các doanh nghiệp cũng phải định hướng lại chiến lược kinh doanh, xây dựng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, quản trị tài chính hiệu quả, phù hợp với từng thời điểm của nền kinh tế; tiết kiệm chi phí tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh liên kết và hợp tác của doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải có những giải pháp của riêng mình là tự đánh giá, cơ cấu lại cho phù hợp với đặc thù và điều kiện của từng doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản trị điều hành, sử dụng tối đa, hiệu quả nguồn lực, đa dạng hóa nguồn vốn hoạt động, không phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay các ngân hàng, TCTD.
Nguyễn Thơm