Đồng chí Lý Thị Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, thực hiện đầu tư vào công cuộc KHHGĐ chính là thực hiện đầu tư nhằm cải thiện sức khỏe, góp phần thực hiện các quyền cho phụ nữ và các cặp vợ chồng trên toàn thế giới. Sự đầu tư này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế và các lợi ích khác có vai trò làm động lực thúc đẩy quá trình phát triển. Đầu tư vào KHHGĐ còn tạo ra những đóng góp to lớn, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao lợi tức dân số và góp phần tăng tiềm năng kinh tế của quốc gia. Công tác Dân số - KHHGĐ giải quyết được các nhu cầu chưa được đáp ứng đó là sự tiếp cận các dịch vụ KHHGĐ an toàn, tự nguyện là một quyền con người. Đây là vấn đề giữ vị trí trung tâm trong bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ, đồng thời là một yếu tố then chốt trong xóa đói, giảm nghèo. Thực hiện tốt các quyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cho phụ nữ, thanh niên, vị thành niên có vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới. Đầu tư vào KHHGĐ còn tạo ra những đóng góp to lớn, góp phần không nhỏ nâng cao lợi tức dân số và góp phần tăng tiềm năng dân số quốc gia...
Chi cục Dân số tỉnh đã có kế hoạch chỉ đạo ngành dọc làm tốt công tác tham mưu, phối hợp tích cực tuyên truyền ý nghĩa, chủ đề, thông điệp của Ngày Dân số thế giới 11/7. Phổ biến chủ trương, luật pháp, chính sách của Đảng, Nhà nước, những định hướng công tác Dân số - KHHGĐ trong thời gian tới: Kết luận số 119-KL/TW ngày 4/1/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị thực hiện chính sách Dân số - KHHGĐ; Pháp lệnh Dân số; Pháp lệnh sửa đổi điều 10 Pháp lệnh Dân số; Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025; Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... Tập trung đầu tư vào công tác Dân số - KHHGĐ để nâng cao chất lượng cuộc sống con người và góp phần phát triển đất nước; thực hiện tốt các quyền và chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho phụ nữ và thanh niên, vị thành niên; đẩy mạnh bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em gái trong xã hội. Tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo người dân lợi ích khám sức khỏe tiền hôn nhân; lợi ích sàng lọc trước sinh và sơ sinh; vai trò của chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên; tác hại nạo phá thai (tập trung tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở tuổi vị thành niên, thành niên); sức khỏe bà mẹ, trẻ em; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; phòng, chống các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản.
Đồng thời tuyên truyền giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, phổ biến pháp luật về việc lựa chọn giới tính thai nhi, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình. Tăng cường chất lượng giáo dục, việc làm ổn định, kỹ năng sống, giáo dục giới tính toàn diện, chú trọng bình đẳng giới để trẻ em gái được an toàn và phát triển đầy đủ thể chất, tinh thần và trí tuệ. Thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình để nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển đất nước; duy trì mức sinh thấp hợp lý, quy mô dân số ổn định và khoảng cách sinh con hợp lý giữa các lần sinh... Tổ chức diễn đàn, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề về Dân số/KHHGĐ/SKSS và nâng cao chất lượng giống nòi.
Trên thực tế, hàng năm, công tác đảm bảo hậu cần các phương tiện tránh thai và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ luôn được chú trọng và triển khai với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã ký hợp đồng với Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố mua thuốc thiết yếu, vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động truyền thông, vận động kết hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ bằng nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương; chỉ đạo Trung tâm Dân số-KHHGĐ các huyện, thành phố phối hợp với Trung tâm Y tế kiểm tra, giám sát, quản lý, cung cấp gói dịch vụ KHHGĐ nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả. Thực hiện cấp miễn phí các phương tiện tránh thai hiện đại cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và tuyên truyền, vận động việc xã hội hóa các phương tiện tránh thai để nhóm đối tượng khác tự nguyện áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại; chăng treo, xây dựng nhiều panô, áp phích tuyên truyền về các biện pháp tránh thai hiện đại tại các huyện, thành phố.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, số trẻ sinh ra toàn tỉnh là 4.632 trẻ (tăng 52 trẻ so với cùng kỳ năm 2016). Trong đó, sinh con thứ 3 trở lên là 974 cháu (tăng 176 cháu so với cùng kỳ); tỷ số giới tính khi sinh là 115,1 bé trai/100 bé gái. Tổng số người mới áp dụng các biện pháp tránh thai là 33.629 ca, trong đó đặt dụng cụ tử cung là 4.550 ca; tiêm tránh thai 2.951 ca; thuốc uống tránh thai 10.835 ca; bao cao su 15.245 ca; cấy tránh thai 12 ca; triệt sản 36 ca.
Bài, ảnh: Hồng Vân