Nhiều năm qua, các giống lúa lai HYT 92, HYT 100, HYT 102, HYT 103... do Viện cây lương thực và thực phẩm Việt Nam lai tạo được đưa vào thử nghiệm trên đồng ruộng một số tỉnh phía Bắc, trong đó có tỉnh Ninh Bình cho kết quả tốt.
Năm 2008, huyện Kim Sơn đã đưa vào cấy 100ha giống HYT 100 và 12ha giống HYT 103 tại một số HTX trong huyện. Kết quả cho thấy: HYT 100 và HYT 103 là những giống cứng cây, chống đổ khá; đẻ nhánh khỏe tập trung, chống chịu sâu bệnh lá, gạo ngon, cơm mềm dẻo. Thời gian sinh trưởng ngắn hơn Nhị ưu 838 khoảng 5 ngày và ngắn hơn D.ưu 527 khoảng 10 ngày.
Cả 2 giống đều cấy ở vụ xuân muộn với thời gian sinh trưởng của giống HYT 103 ở vụ đông xuân 115- 120 ngày; vụ mùa từ 100- 105 ngày. Năng suất lúa cao tương đương với giống nhị ưu 838 và D.ưu 527 (HYT 100 năng suất ước đạt 75tạ/ha; HYT 103 năng suất ước đạt 69tạ/ha).
Ông Nguyễn Trí Hoàn - Viện trưởng cho biết: Viện đã ký hợp đồng với công ty Đại Dương (Trung Quốc) để sản xuất hạt giống lúa lai HYT do Viện lai tạo.
Ngoài các mô hình khảo nghiệm giống lúa lai trên, Viện còn triển khai năm đầu khảo nghiệm giống lúa thuần TL6 tại HTX Khánh Công (Yên Khánh) với quy mô 4,7ha. Kết quả cho thấy giống TL6 có năng suất thống kê đạt 62,74tạ/ha, cao hơn giống đối chứng (LT2) là 1,9tạ/ha. TL6 đẻ nhánh khá gọn tập trung, chín nhanh, thân lá đứng, kiểu hình gọn; là giống thâm canh; thời gian sinh trưởng ngắn hơn giống đối chứng (LT2); chống chịu với điều kiện ngoại cảnh tốt hơn giống đối chứng, chống chịu sâu bệnh khá. Cần tiến hành khảo nghiệm tiếp ở các vụ sau.
Đinh Chúc