Để đảm bảo 2 mặt hàng này đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành có liên quan, ý thức, trách nhiệm của các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến và cả kiến thức lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng. Chợ thực phẩm ở phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) mới 6 giờ sáng đã tấp nập người bán, người mua. Vừa đi, vừa trò chuyện, các bác trung tuổi bảo nhau: Ngủ "nướng" thì khó có thực phẩm tươi ngon lắm nên tranh thủ sáng sớm đi chợ để lựa chọn được những thức ăn theo ý mình… Khi được hỏi các bác có phân biệt được đâu là rau không phun thuốc sâu và rau sạch không, ai cũng lắc đầu, bởi "giờ mà tìm rau có phun thuốc sâu khó lắm. Chỉ có điều về mình phải cẩn thận rửa kỹ dưới vòi nước, ngâm nước muối trước khi chế biến cho chắc ăn…". Ra đến chợ, bạt ngàn rau xanh các loại đang đúng vụ: Nào bí xanh, rau muống, mồng tơi, cải, su su…thứ nào cũng xanh, non mơn mởn, bắt mắt. Tuy nhiên, không phải người nội trợ nào cũng mặn mà.
Dù người bán hàng có giới thiệu, khẳng định đấy là rau sạch, là rau nhà trồng…nhưng ít người nội trợ tin. Họ thường tự lựa chọn rau theo suy nghĩ, nhận biết bằng mắt thường. Một số người sau thời gian là khách hàng quen thuộc của một số người bán hàng, họ thường đặt rau sạch từ cơ sở quen (thường đây không phải hàng chuyên bán rau, mà có thể là người bán cua, cá…) để có được thực phẩm rau sạch tin cậy. Đối với mặt hàng thịt hay sử dụng trong các bữa ăn của gia đình như: thịt gà, thịt lợn, thịt bò… nếu không có điều kiện phải mua ở chợ, nhiều gia đình đã liên kết với nhau đặt mua ở quê để có nguồn thịt sạch bỏ tủ lạnh ăn dần.
Bởi dù có được giới thiệu như thế nào thì thịt mua ngoài chợ, nhất là thịt lợn thường có mùi hôi, nước đục khi luộc, xào, nấu… Với phần lớn người tiêu dùng bây giờ, mua rau ngoài chợ hàng ngày nhưng ở nhà thường sắm thêm máy na- nô để sục rửa rau cho sạch, hoặc tối thiểu cũng sử dụng phương án ngâm rau với nước muối… Một lần ra chợ Rồng, vì có người quen chuyên bán buôn hàng rau, củ, quả, nên tôi có ghé qua hỏi thăm một số loại rau, củ để phục vụ cho đám giỗ ở quê. Chủ cơ sở đi vắng, người trông nhà hộ là bạn tôi đã xua tay: Chị chịu khó về quê mà gom ở chợ quê ăn cho "lành".
Hàng đây toàn hàng Tàu nhập về. Đây như chị xem: bí xanh, xúp lơ, cải thảo… để vài ngày chẳng thối rữa. Ngay như củ đậu kia kìa, trông thô sơ thế, ai nghĩ được lại có thể để trong kho vài tháng… Thậm chí, có những bếp ăn tập thể nấu cho công nhân mà em không tiện nói tên, mỗi ngày đi chợ họ thường chọn mua các loại thực phẩm đã hỏng, như bí xanh chẳng hạn, vì giá lúc ấy rẻ như cho chỉ 1.500- 2.000 đồng/kg để đem về chế biến… Chỉ nghe những thông tin như thế, với bất kỳ người tiêu dùng nào cũng có tâm trạng hết sức lo lắng cho bữa ăn của gia đình mình.
Với chức năng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm sản và thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản đã tập trung triển khai các hoạt động chuyên môn theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm để góp phần bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng. Chi cục đã duy trì thường xuyên hoạt động kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, các cơ sở giết mổ, trang trại chăn nuôi, vùng trồng rau, các chợ thực phẩm… ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, đã tổ chức lấy mẫu thịt, ngao, rau, mẫu nước… gửi đi phân tích, kết quả cho thấy các chỉ tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định, không phát hiện các mẫu thịt có chứa chất cấm và dư lượng chất độc hại trong chăn nuôi.
Sau khi Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực thi hành, các lĩnh vực quản lý chất lượng và đảm bảo VSATTP được phân chia cụ thể giữa ngành Y tế và ngành Nông nghiệp. Với lĩnh vực quản lý, cùng với hoạt động thanh, kiểm tra, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản còn quan tâm thực hiện tốt công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho các cơ sở, hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng về trách nhiệm đảm bảo VSATTP. Thông qua các hoạt động tuyên tuyền trực tiếp, phát tờ rơi, băng zôn, tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ, các trang trại, gia trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm…đã góp phần đưa các quy định của Luật An toàn thực phẩm đến với các doanh nghiệp, tổ hợp, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, nuôi trồng thực phẩm.
Năm nay, "Tháng hành động vì chất lượng VSATTP" được triển khai từ ngày 15-4 đến 15-5 với mục tiêu: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người quản lý; nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với rau, thịt là sản phẩm tiêu dùng hàng ngày; tăng cường công tác thanh, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm từ rau, thịt. Đây là đợt tập trung tuyên truyền các kiến thức về đảm bảo VSATTP.
Trong đó, chú ý tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu dùng rau, thịt an toàn; thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia; vệ sinh cơ sở trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến rau, thịt, vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm; phổ biến, tăng cường nhận thức, làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng VSATTP theo quy định pháp luật…
Tuy nhiên, để mỗi bữa ăn đảm bảo VSATTP, cùng với nỗ lực của các ngành chức năng trong việc thanh, kiểm tra, kiến thức của người nội trợ là hết sức quan trọng. Không chỉ nhận biết, lựa chọn đúng thực phẩm đảm bảo an toàn, ngay trong khâu chế biến, bảo quản thực phẩm cũng cần quan tâm thực hiện cho đúng. Trong bối cảnh nhiều bà nội trợ bận rộn với công việc như hiện nay, việc lưu giữ thực phẩm lâu ngày trong tủ lạnh, việc thiếu kiến thức, hiểu biết về chế biến các loại thực phẩm…cũng là nguyên nhân dẫn đến thực phẩm không đảm bảo.
Bên cạnh đó, chính người tiêu dùng sẽ là "kênh" thông tin quan trọng để phát hiện những cơ sở, người kinh doanh, chế biến, sản xuất không đảm bảo chất lượng, thông tin cho ngành chức năng xử lý kịp thời, góp phần loại trừ những thực phẩm không đảm bảo VSATTP ra khỏi bữa ăn của chính gia đình mình và của cộng đồng.
Bùi Diệu