Đồng chí Hoàng Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết: Sở thường xuyên giữ mối liên hệ với Trung tâm Di sản Thế giới tại Pari, Cộng hòa Pháp, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và các chuyên gia phụ trách Di sản thế giới tại khu vực châu á, Thái Bình Dương để nắm bắt các định hướng, chiến lược quản lý, bảo tồn Di sản nói chung và tham vấn công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An nói riêng.
Phối hợp với các chuyên gia của Trường Đại học Cambridge và Đại học Queen's Belfast - Vương Quốc Anh thực hiện Dự án nghiên cứu cách thích ứng của người tiền sử đối với sự biến đổi về khí hậu, môi trường và cảnh quan khu Di sản, trong đó đã tiến hành 14 đợt nghiên cứu, thăm dò khảo cổ học. Kết quả của Dự án làm rõ hơn các giá trị nổi bật của Di sản, quá trình thích ứng của người tiền sử tại khu vực này cách đây trên 30.000 năm.
Đặc biệt trong quá trình thăm dò khảo cổ, các chuyên gia đã thu được bộ xương người mà theo đánh giá sơ bộ có niên đại cách đây trên 10.000 năm, đây là cơ sở dựng lại các mô hình người tiền sử và quá trình tiến hóa và thích ứng của con người tại Quần thể danh thắng Tràng An nói riêng và tại khu vực Đông Nam á nói chung.
Phối hợp với Giáo sư Paul Dingwall - chuyên gia cao cấp của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (IUCN), Tiến sỹ Ryan Rabett - chuyên gia khảo cổ học, thành viên của Hội đồng quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS), các chuyên gia của Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia thực hiện điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch quản lý Di sản và các giải pháp thực hiện các yêu cầu, khuyến nghị của ủy ban Di sản Thế giới.
Tham gia đầy đủ các kỳ họp thường niên của ủy ban Di sản Thế giới để nắm bắt chủ trương, định hướng, quy định, yêu cầu quản lý, bảo tồn di sản, kinh nghiệm quản lý các khu di sản trên thế giới, các yêu cầu, khuyến nghị đối với Quần thể danh thắng Tràng An và thực hiện tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản...
Trong 5 năm qua, Sở cũng đã tổ chức các hội nghị, hội thảo quan trọng: Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững năm 2013, Hội thảo quốc tế về di sản thế giới và phát triển bền vững; Hội nghị tham vấn quốc tế về Kế hoạch quản lý Di sản; phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức tọa đàm về "Vai trò của Đinh Tiên Hoàng đối với sự nghiệp thống nhất quốc gia và nâng cấp Lễ hội Trường Yên thành Lễ hội cấp nhà nước" năm 2015; Hội nghị đánh giá công tác quản lý, bảo tồn Quần thể danh thắng Tràng An sau hai năm được UNESCO công nhận là Di sản thế giới; Hội thảo quốc tế về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Quần thể danh thắng Tràng An năm 2017; Hội thảo khoa học "Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình" năm 2018... đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, quản lý quan tâm tham gia.
Đồng chí Phó Giám đốc Sở Du lịch Hoàng Thanh Phong cũng chia sẻ: Để làm nổi bật thêm các giá trị văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng và bảo vệ thành công hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Hoa Lư là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng và bảo vệ thành công Hồ sơ khoa học Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015.
Tiến hành khảo sát, xây dựng và bảo vệ hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng 4 di tích và đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh: Đền Thượng và chùa Hoa Lâm thuộc xã Ninh Xuân; Nhà thờ Cố Cai Hoàng Ngọc Liễn thuộc xã Ninh Hòa; Đình và Chùa Ngọc Mỹ thuộc xã Sơn Lai, huyện Nho Quan.
Thực hiện sưu tầm tài liệu, số hóa hồ sơ các di tích, xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ tài liệu, phân loại, sắp xếp, bảo quản và lưu giữ hiện vật, di vật khảo cổ, di vật cổ sinh hóa thạch đã khai quật theo hệ thống. Tổ chức điều tra, thống kê và dự báo tốc độ gia tăng khách du lịch, thực hiện đánh giá các cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch, xem xét các tác động của khách du lịch đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, nhận diện và ngăn ngừa các yếu tố phát sinh tác động tiêu cực tới Di sản.
Phối hợp với các chuyên gia quốc tế khảo sát địa hình, đánh giá môi trường tự nhiên của đảo Ngọc - Khu Du lịch sinh thái Tràng An, tổ chức các khóa học nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ đa dạng sinh học làm tiền đề tái hòa nhập Voọc mông trắng tại Quần thể danh thắng Tràng An, một trong các loài đặc hữu được liệt trong danh sách "Cực kỳ nguy cấp" của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) và đồng thời được liệt trong danh sách "25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới".
Hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong những năm qua đã góp phần quan trọng làm sáng tỏ hơn những giá trị thiên nhiên và văn hóa nổi bật di sản, đồng thời góp phần tích cực vào việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản kép-Quần thể danh thắng Tràng An với việc thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến Ninh Bình.
Đinh Chúc