Tại hội thảo, các đại biểu đã đi sâu vào phân tích, đưa ra một số thuận lợi cũng như khó khăn trong chương trình xây dựng chuỗi giá trị nông sản hàng hóa như: Phát triển bền vững hệ thống lương thực thực phẩm Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030; Phát triển chuỗi giá trị hàng hóa gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; Thực trạng và giải pháp xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp;
Phát triển hạ tầng thương mại khu vực nông thôn đáp ứng yêu cầu nền sản xuất hàng hóa, thúc đẩy phát triển thị trường nội địa; Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nông sản, liên kết thị trường của các HTX, tổ hợp tác kiểu mới tại tỉnh Ninh Bình; Một số mô hình về chuỗi giá trị hàng hóa trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; Thành công, thời cơ và thách thức về chuỗi giá trị hàng hóa.
Đồng thời các đại biểu dự hội thảo còn trao đổi, thảo luận việc cần thiết phải xây dựng chuỗi giá trị nông sản hàng hóa mang tính bền vững, đây là giải pháp giúp nâng cao giá trị của nông sản.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Mai Hoa cho rằng việc tổ chức hội thảo hôm nay là rất thiết thực để đánh giá thực trạng, cơ sở lý luận và thực tiễn về chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, việc xây dựng và quản trị nông sản trên địa bàn tỉnh, từ đó đưa ra các giải pháp đổi mới, nâng cao vai trò của doanh nghiệp, HTX trong liên kết thị trường, tiêu thụ nông sản hàng hóa; đầu tư phát triển công nghệ sau thu hoạch, bảo quản, chế biến sâu.
Ninh Bình được đánh giá là một tỉnh có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 90 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp. Với thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu thuận lợi đã hình thành nên các vùng sản xuất nông nghiệp đa dạng về nhiều loại nông sản hàng hóa đặc trưng như dứa, lúa, cói, nấm... Tuy nhiên mức độ tăng trưởng của Ninh Bình vẫn ở mức trung bình, sản xuất vẫn chạy theo số lượng, giá trị sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh thấp.
Vì vậy, để nâng cao giá trị của nông sản, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và PTNT cần chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng phân vùng quy hoạch nuôi trồng trên cơ sở xác định lợi thế của từng vùng để nuôi trồng những loại cây, con có ưu thế vượt trội về năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phù hợp với việc đưa máy móc, thiết bị phục vụ quá trình canh tác, thu hoạch. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại; phát triển các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư tư nhân, tổ chức lại các hiệp hội ngành hàng.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cao cho nông nghiệp, là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho nông sản Ninh Bình theo hướng đi bền vững.
Hồng Nhung- Anh Tuấn